Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh vừa tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ý kiến của ông Vương Hồng Quế (đại diện Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng-chống tham nhũng), phát triển kinh tế là tất yếu nhưng trong đầu tư cần phân định tách bạch giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội.

Nếu gọi chung là dự án phát triển kinh tế-xã hội là không phân định giữa kinh doanh và phục vụ lợi ích xã hội. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, người dân bức xúc, khiếu kiện nhiều, phần lớn là do Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội nói chung, bồi thường cho dân chưa thỏa đáng, giải quyết chưa thật hài hòa giữa lợi ích của người bị thu hồi đất và chủ dự án đầu tư.

 

Các đại biểu tham gia góp ý tại hội nghị. Ảnh: T.N
Các đại biểu tham gia góp ý tại hội nghị. Ảnh: T.N

Nếu gọi chung là dự án phát triển kinh tế-xã hội thì đối với các dự án kinh tế, vì lợi nhuận nên dễ phát sinh tình trạng chủ đầu tư chạy dự án, thỏa hiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, áp dụng giá thu hồi đất thấp để thu lợi, cũng như tạo điều kiện cho tiêu cực và tham nhũng phát sinh...

Do vậy theo ông Quế, Điều 58 khoản 3 nên quy định là: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng-an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng xã hội”. So với dự thảo, nên thay cụm từ “lợi ích công cộng” bằng cụm từ “lợi ích cộng đồng xã hội”, bỏ bớt cụm từ “các dự án phát triển kinh tế-xã hội”.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Văn Luân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khái quát cao được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tuy nhiên trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa đề cập một cách cụ thể đến địa vị pháp lý của giai cấp nông dân.

Cương lĩnh ghi rõ: “Xây dựng, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thì giai cấp nông dân và người làm nông nghiệp chiếm trên 50%. Để phát huy được vai trò của người nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sự liên minh ngày càng chặt chẽ giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong quá trình phát triển của đất nước ngày càng vững chắc, đồng thời có cơ sở pháp lý để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo như Cương lĩnh Đại hội Đảng XI.

Do vậy Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần ghi thêm vào Điều 10 Chương I, Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp nông dân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người nông dân, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nông dân; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động người nông dân, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghề nghiệp phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, chấp hành pháp luật, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để có cơ sở pháp lý, địa vị chính trị xã hội của giai cấp nông dân.

Ông Rah Lan Lâm- Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Qua 20 năm thực hiện các quy định của Hiến pháp 1992 đã thể hiện đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, tinh thần độc lập tự chủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên quá trình thực thi Hiến pháp 1992 đã có một số vướng mắc, bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng-chống tội phạm.  

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa khẳng định: “Giữ vững an ninh quốc gia, chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, nhà nước và của toàn dân, trong đó quân đội nhân dân và công an nhân dân là lực lượng nòng cốt”. Vì vậy cần bổ sung những nội dung mới của cương lĩnh vào Điều 44 để xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quan điểm của Đảng.

Nhấn mạnh việc Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nòng cốt là các lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong mục tiêu nhiệm vụ của quốc phòng-an ninh, ngoài vấn đề an ninh quốc gia. Cương lĩnh 2011 bổ sung nội dung “bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình”. Do đó cần bổ sung hoàn thiện nhiệm vụ, nội dung này vào Điều 45, cùng với quy định xây dựng nền an ninh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân cần gắn thêm nội dung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm