Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Đề nghị giữ nguyên điều 66 về thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, tỉnh Gia Lai có gần 50.000 đoàn viên, thanh niên tham gia hơn 10.000 lượt ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đóng góp tập trung vào những nội dung:

- Phần cuối của lời nói đầu, đề nghị bổ sung cụm từ “vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” vào ngay sau cụm từ “văn minh”. Bởi vậy, nên sửa thành: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước… và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Bởi vì trong văn kiện Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng đã xác định nội dung này.

 

 

- Điều 1, đề nghị đưa cụm từ “độc lập” lên trước cụm từ “dân chủ”, vì có độc lập mới có dân chủ. Và thêm cụm từ “thềm lục địa” vào sau từ “hải đảo”. Điều này nên chỉnh sửa thành: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, thềm lục địa, vùng biển và vùng trời”.

- Điều 2, đề nghị thêm cụm từ “các lực lượng tiến bộ trong xã hội” vào sau cụm từ “đội ngũ trí thức”. Quy định rõ trong Điều 2 là: “…Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, các lực lượng tiến bộ trong xã hội”. Quy định như vậy là sát với thực tế của nước ta có nhiều thành phần xã hội, kinh tế...

- Điều 3, đề nghị đưa cụm từ “tự do” lên trước cụm từ “ấm no”, vì có tự do mới có ấm no, hạnh phúc. Điều này nên sửa thành: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân… mọi người có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

- Khoản 1, Điều 4, đề nghị thêm cụm từ “chính trị duy nhất” vào trước cụm từ “...lãnh đạo Nhà nước...”, nên sửa thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Quy định như vậy là để khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và làm cơ sở bảo vệ Đảng trước các quan điểm chống phá, đòi đa nguyên, đa đảng.

- Khoản 3, Điều 4, đề nghị bổ sung cụm từ “Điều lệ của Đảng” vào sau cụm từ “pháp luật”; nên sửa thành câu: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Điều lệ của Đảng”.

- Khoản 2, Điều 5 nên đưa cụm từ “đoàn kết” lên trước cụm từ “bình đẳng” và thêm cụm từ “tiến bộ” lên trước cụm từ “phát triển”. Điều này sửa thành câu: “Các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.

- Khoản 4, Điều 5, để ý nghĩa cộng đồng được đầy đủ hơn, đề nghị thay cụm từ “các dân tộc thiểu số” thành cụm từ “đồng bào các dân tộc”. Khoản 4 này nên sửa thành: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”.

- Khoản 2, Điều 8, đề nghị thêm cụm từ “quyền làm chủ” vào trước cụm từ “nhân dân” và thay cụm từ “chống tham nhũng” bằng cụm từ “không tham nhũng”. Quy định khoản 2, Điều 8 là: “Nền hành chính quốc gia… Cán bộ công chức, viên chức phải tôn trọng quyền làm chủ nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; không tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

- Điều 10, đề nghị thêm cụm từ “phối hợp” vào trước cụm từ “tuyên truyền”, nên sửa thành: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị… phối hợp tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

- Khoản 2, Điều 11, đề nghị bổ sung cụm từ “âm mưu” vào trước cụm từ “hành vi”, nên sửa hoàn chỉnh thành: “Mọi âm mưu hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật”.

- Khoản 1, Điều 39 nên thêm cụm từ “đủ tuổi kết hôn” vào sau từ “nữ” và thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào sau cụm từ “ly hôn”. Khoản 1 này sửa thành: “Nam, nữ đủ tuổi kết hôn có quyền kết hôn và ly hôn theo quy định của pháp luật…”.

- Điều 44, đề nghị thêm cụm từ “giữ gìn, tuyên truyền” vào sau cụm từ “hưởng thụ”; nên sửa thành: “Mọi người có quyền hưởng thụ, giữ gìn, tuyên truyền các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”.

- Đa số đoàn viên, thanh niên trong tỉnh ta đều đề nghị giữ nguyên Điều 66, Hiến pháp năm 1992: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. 

Hoàng Minh (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm