(GLO)- Từ ngày 9 đến 20-3, tại các cuộc sinh hoạt chi hội phụ nữ, tổ phụ nữ trong tỉnh đã có 120.365 hội viên tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại đây, có nhiều ý kiến tham gia vào lĩnh vực quyền bình đẳng giới.
- Điều 1, đề nghị chuyển cụm từ “độc lập” về trước cụm từ “dân chủ”. Theo đó, nên sửa thành:” Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.
- Khoản 1, Điều 4, để khẳng định rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, đề nghị bổ sung cụm từ “và tổ chức duy nhất”. Vì vậy nên sửa thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng và tổ chức duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”.
- Khoản 2, Điều 8, đề nghị bổ sung cụm từ “quyền làm chủ của” vào ngay sau cụm từ “…phải tôn trọng…”, nên sửa thành: “…Cán bộ công chức, viên chức phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân…”.
- Điều 10, đề nghị bổ sung cụm từ “phối hợp” vào ngay trước cụm từ “tuyên truyền”, nên sửa thành: “Công đoàn Việt Nam…; phối hợp vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
- Khoản 2, Điều 17, đề nghị bổ sung cụm từ “và gia đình” vào sau cụm từ “…xã hội”, nên sửa hoàn chỉnh thành: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”.
- Khoản 1 và khoản 2, Điều 34 cần phải bổ sung cụm từ “những mặt hàng Nhà nước không cấm” vào sau cụm từ “kinh doanh”. Nên chỉnh sửa cụ thể thành: Khoản 1: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những mặt hàng Nhà nước không cấm”. Khoản 2: “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh những mặt hàng Nhà nước không cấm”.
- Khoản 2, Điều 39 đề nghị bỏ cụm từ “bảo hộ” thay thế bằng cụm từ “bảo vệ” để khẳng định rõ hơn về trách nhiệm của nhà nước là phải bảo vệ hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mẹ và trẻ em.
- Điều 44, đề nghị bổ sung cụm từ “giữ gìn, tuyên truyền” vào ngay sau cụm từ “mọi người có quyền”. Tức là sửa thành: “Mọi người có quyền giữ gìn, tuyên truyền, hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”.
- Điều 69, đề nghị bỏ cụm từ “sự nghiệp”, thay bằng cụm từ “nghĩa vụ” trong quy định: “ Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là nghĩa vụ của toàn dân”.
- Khoản 1, Điều 89 nên bỏ cụm từ “các tổ chức thành viên của Mặt trận”, thay bằng cụm từ “các đoàn thể chính trị-xã hội”. Khoản 1, Điều 89 nên quy định: “Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ…, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội có quyền trình dự án luật trước…”.
- Đặc biệt có 10.098 ý kiến của đại biểu đề nghị giữ nguyên nội dung Điều 63, Hiến pháp năm 1992 là: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ… Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội...”.
Quy định như vậy là thể hiện đầy đủ về quyền bình đẳng giới, về vị thế của phụ nữ trong xã hội, về quyền và nghĩa vụ trong việc thực hiện thiên chức làm mẹ. Bên cạnh đó, có 6.012 ý kiến đề nghị nên giữ nguyên những nội dung như Điều 64, Hiến pháp năm 1992 để khẳng định vai trò của gia đình đối với xã hội và tính kế thừa truyền thống nhân văn của dân tộc ta.
Hoàng Minh (tổng hợp)