Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác giải quyết việc làm của tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan. Hàng năm, bình quân toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 24.000 lao động bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên, thực tế con số này chưa đánh giá thực chất tình hình lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm của tỉnh.

Giải quyết việc làm là biện pháp hướng vào đối tượng thất nghiệp, thiếu việc làm nhằm tạo việc làm cho người lao động. Trên thực tế, tỷ lệ lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 4,7% (năm 2003) xuống còn 2,7% (năm 2014). Số lao động được tạo việc làm hàng năm luôn tăng: nếu năm 2003 toàn tỉnh mới giải quyết việc làm cho lao động bước vào độ tuổi lao động là 17.000 người thì đến cuối năm 2014 số lao động được giải quyết việc làm mới là 24.000 người. Hiện nay, tỷ lệ lao động không có việc làm rất thấp. Bên cạnh đó, trình độ lao động bước vào độ tuổi lao động ngày càng được nâng cao, nhờ đó thu nhập ngày công của người lao động cũng được nâng cao.
 

Ảnh: Đinh Yến

Có việc làm và tăng thu nhập sẽ giúp người lao động có khả năng đáp ứng những nhu cầu chính đáng về vật chất và tinh thần, giúp người lao động tiếp cận được với cơ sở y tế, giáo dục với chất lượng tốt, nâng cao vị thế trong xã hội, hòa nhập với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, những năm qua, thống kê số người lao động bước vào độ tuổi lao động được giải quyết việc làm mới chỉ mang tính chung chung chưa sát thực tế, bởi khó có thể đánh giá con số chính xác lao động hàng tháng và hàng năm được giải quyết việc làm mới là bao nhiêu, chúng ta chỉ có thể đánh giá con số cụ thể lao động thất nghiệp, vì số lao động thất nghiệp hiện nay đang được Nhà nước hỗ trợ chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp. “Vì việc đánh giá số lao động được giải quyết việc làm hàng năm có lẽ là chưa đúng với thực tế, do đó, trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV không còn đề cập đến chỉ tiêu giải quyết việc làm hàng năm”-ông Đinh Xuân Lịch-Trưởng phòng Lao động Việc làm-Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.

Trong thời gian tới, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội xác định công tác giải quyết việc làm là một trong 10 nhóm nhiệm vụ chính. Tuy nhiên, để công tác này đi vào thực chất, tỉnh cần tiếp tục có những cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động gắn với quy hoạch kinh tế-xã hội, các chương trình phát triển kinh tế, ngành nghề và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương.

Cụ thể, mục tiêu từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh vẫn cần tiếp tục phấn đấu bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 24.000 lao động bước vào độ tuổi lao động. Để thực hiện đạt mục tiêu, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đề xuất: Giải pháp quan trọng nhất cần tập trung thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cạnh tranh và chất lượng cao. Vì chất lượng lao động là một trong những điều kiện để có thể cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Chất lượng lao động thể hiện ở nhiều khía cạnh: thể lực, trí lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật và người lao động cũng cần phải hiểu pháp luật, tinh thần chấp hành kỷ luật, văn hóa ứng xử trong công việc mang tính chuyên nghiệp cao. Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quan trọng nhằm giúp người lao động có khả năng nắm bắt được cơ hội việc làm, đáp ứng yêu cầu công việc và ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.


Đi đôi với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì việc phát triển mạng lưới dạy nghề gắn với nâng cao chất lượng dạy nghề, giải quyết việc làm và thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề cũng rất quan trọng. Theo đó, tỉnh cần phát huy hơn nữa hiệu quả sàn giao dịch việc làm và các phiên giao dịch việc làm lưu động để tạo cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tập trung một số nước truyền thống, như: Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào và Campuchia. Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm thông qua vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Ban hành những chính sách khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động giải quyết việc làm cho người lao động và tích cực đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề đối với các đối tượng, như: thanh niên, lao động nông thôn, phụ nữ, lao động có điều kiện khó khăn.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm