Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Văn học nghệ thuật Gia Lai: Thành công và trăn trở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ 1975 đến nay, văn học nghệ thuật Gia Lai đã có sự phát triển rất đáng kể, thậm chí có thể nói là vượt bậc. Với cái nền là văn học nghệ thuật địa phương, nhiều tác giả đã thành danh, trở thành những tên tuổi trong làng văn học nghệ thuật cả nước. Rất nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh ta được bầu vào Ban Chấp hành các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành quốc gia như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam... Nhiều người được bầu vào các hội đồng nghệ thuật chuyên ngành quốc gia. Không phải tỉnh thành nào trên nước ta cũng có được điều ấy.

Từ Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai và Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, nhiều tác giả trẻ đã được phát hiện, được bồi dưỡng, nâng niu để trở thành những tài năng. Hiện nay, Gia Lai là tỉnh có nhiều tác giả trẻ thành danh so với khu vực. Các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc... đều có những tác giả trẻ nổi bật, vượt qua thân phận tỉnh lẻ, ngồi cùng chiếu với anh chị em văn nghệ sĩ cả nước. Nhiều tác giả trẻ được giải thưởng quốc gia, những giải thưởng có giá trị, điều mà các thế hệ trước đấy rất khó khăn vất vả phấn đấu...

 

Tác phẩm “Giúp mẹ” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong.
Tác phẩm “Giúp mẹ” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong.

Nhưng những khó khăn vẫn luôn là những thử thách, có cái vượt qua được, có cái như những ngọn núi sừng sững thử thách sự kiên trì, sự nhẫn nại, chịu đựng và quyết tâm, hy sinh rất lớn của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì một tác giả văn học trẻ, viết rất khá, được một tờ tạp chí rất uy tín về văn chương của quốc gia là Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội mời đi dự một trại sáng tác tại Đồng Tháp. Cả cái trại này chỉ có chừng 20 tác giả của cả nước được mời. Chị đã phải rất vất vả mới xin được cơ quan cho nghỉ để đi dự đủ 20 ngày. Và sau đấy là... bỏ tiền túi mua vé máy bay bay vào TP. Hồ Chí Minh (vì sợ trễ ngày khai mạc), rồi lại đi tiếp xe đêm xuống Cao Lãnh. Toàn bộ chi phí cho chuyến đi chị phải tự túc. 20 ngày ấy, giỏi lắm chị viết được 1 truyện ngắn và 2 bài thơ. Nếu thành công, được in, chế độ nhuận bút hiện nay, trả nhân nhượng lắm, chị được khoảng từ 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng.

Cũng như văn nghệ sĩ cả nước, văn nghệ sĩ Gia Lai cũng phải vật lộn với nền kinh tế thị trường, ở đó, các cụ đã đúc kết “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Vượt qua được những khó khăn ấy để vẫn sáng tác và sáng tác hay, được thừa nhận đã là một điều cực kỳ đáng quý, nhưng các văn nghệ sĩ Gia Lai còn chịu nhiều nỗi thiệt thòi của thân phận tỉnh lẻ.

Ấy là việc dành ra thời gian để sáng tác là cực khó, mà chị nhà văn trẻ trên kia là một ví dụ. Tuy thế đáng mừng là rất nhiều anh chị em vẫn miệt mài lặng lẽ sáng tác. Song, một câu hỏi, đúng hơn là thực tế đang diễn ra ở Gia Lai là, sáng tác xong tác phẩm để làm gì?

Chúng ta chưa có thị trường tiêu thụ tác phẩm như ở các tỉnh thành khác nên phần lớn anh chị em sáng tác ra, hoặc là cất, hoặc mang đi các địa phương khác tiêu thụ. Đấy là một thực tế đang diễn ra. In sách mang ra tỉnh ngoài bán, chụp ảnh, vẽ tranh cũng mang nơi khác triển lãm... điều này dù ít dù nhiều cũng làm anh chị em văn nghệ sĩ nản chí. Bởi khi họ sáng tác trên đất Gia Lai thì đối tượng đầu tiên họ nhắm đến là công chúng Gia Lai, nhưng cuối cùng  thì tác phẩm của họ trở nên xa lạ với công chúng của họ.

Chúng ta cũng nói nhiều đến việc hướng về cơ sở, đến việc sáng tác về những thân phận, những con người vừa điển hình vừa bình thường trong đời sống. Nhưng thứ nhất là để xuống cơ sở thực tế bây giờ quá khó. Chắc chả có vợ con nào vui vẻ khi chồng (hoặc vợ) mình cơm đùm cơm nắm xuống làng nằm hàng tuần mà chả mang lợi lộc gì về. Thêm nữa, đa phần anh chị em văn nghệ sĩ Gia Lai lại là công chức nhà nước, sáng tác với họ chỉ là sắp sảnh những lúc rỗi, vì vậy, để xin phép cơ quan, rồi sắp xếp công việc để đi là rất khó khăn. Mặt nữa, trong đời sống hiện nay, những nhộn nhạo của việc phân định đúng sai, của cái tốt đẹp và xấu xa, sự định hình các giá trị, sự phân minh trong đánh giá, nhận xét,... vân vân... vẫn còn chưa đủ để có đất cho văn học nghệ thuật thể hiện. Bởi văn học nghệ thuật không chỉ là miêu tả, phản ánh, nó còn là chiêm nghiệm, phản biện, là dự báo và tiên tri...

Do vậy, ngoài những nỗ lực của bản thân từng anh chị em văn nghệ sĩ, còn cần rất nhiều sự quan tâm, chăm lo của các ngành, các cấp và của cả xã hội. Có thể hạch toán ở tất cả mọi lĩnh vực nhưng văn học nghệ thuật thì không thể hạch toán chi li được, bởi thành quả của nó là vô hình, là những gì thuộc về đời sống tinh thần của con người. Nó không làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng nó giúp những người làm ra của cải vật chất ấy thanh thản tâm hồn, làm ra giấc mơ đẹp cho họ. Cũng như thế, tôi rất thích một câu nói của người làng Chùa, một ngôi làng ở Hà Đông, ngôi làng mà mọi người đều thích thơ và làm thơ và họ có ngày thơ của làng, câu ấy là: “Thuộc một câu thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”.

Với văn nghệ sĩ, thành công trong lao động sáng tạo nghệ thuật luôn ở phía trước, luôn ở thì tương lai, có khi mãi mãi là thì tương lai, còn áo cơm vợ con thì trước mắt và ngay cạnh. Thế mà rồi nhân tài ở Gia Lai vẫn nảy nở, lớp này tiếp lớp khác, làm nên một đội ngũ khá mạnh so với các tỉnh bạn và cả nước...

Đáng mừng, nhưng vẫn canh cánh...

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm