Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Cần tập trung đầu tư phát triển khoa học-công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ áp dụng vào sản xuất, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để những đề tài, chương trình, dự án khoa học-công nghệ phát huy hiệu quả thì cần những cách làm mới và có cơ chế, giải pháp cụ thể.

Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã triển khai 58 đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, trong đó, lĩnh vực nông-lâm nghiệp có 22 đề tài, dự án; lĩnh vực quốc phòng-an ninh, văn hóa, y tế và xã hội có 18 dự án; lĩnh vực công nghiệp, điều tra cơ bản, nghiên cứu bảo vệ môi trường, khoa học quản lý có 18 dự án và 5 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Theo đánh giá bước đầu, hầu hết các dự án đã phát huy hiệu quả. Trong 5 năm qua, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành nghiệm thu 35 đề tài, dự án. Đến nay, đã có 30 đề tài, dự án được UBND tỉnh công nhận, 5 dự án, đề tài còn lại đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục. Giai đoạn 2011-2015, tổng dự toán phân bổ cho nhiệm vụ khoa học-công, nghệ các cấp là hơn 78 tỷ đồng.
 

Chuyển giao mô hình trồng cây đậu phụng xen với cây mì để vừa có hiệu quả và cải  tạo đất. Ảnh: Đức Thụy
Chuyển giao mô hình trồng cây đậu phụng xen với cây mì để vừa có hiệu quả và cải tạo đất. Ảnh: Đức Thụy

Một số đề tài, nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định. Trong đó, các đề tài, công trình nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đã góp phần xóa đói giảm nghèo tạo bộ mặt mới ở nông thôn. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu và triển khai từng bước giúp nông dân hoàn thiện quá trình canh tác, giảm chi phí, đáp ứng được mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong đó có một số đề tài, dự án tiêu biểu như: đầu tư xây dựng quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật giúp cây cà phê vối chín tập trung; tuyển chọn và phát triển lúa lai hai dòng, giống lúa lai F1 của tổ hợp lai TH3-3 và TH3-5 để phát triển trên địa bàn tỉnh.

Bên canh đó, các dự án, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ vào các lĩnh vực công nghiệp, bảo vệ môi trường cũng đạt được những kết quả khả quan, tiêu biểu như: chuyển giao công nghệ làm hầm biogas bằng nhựa Composite; nghiên cứu, chế tạo thiết bị sấy thuốc lá với công suất 3 tấn/mẻ, sử dụng vỏ trấu để sấy thuốc lá đã hạn chế được phần nào nạn phá rừng, nâng cao chất lượng thuốc lá và giảm chi phí. Đặc biệt, việc đầu tư ứng dụng giải pháp kỹ thuật và công nghệ làm đường giao thông nông thôn gia cố xi măng kết hợp với phụ gia DZ 33 làm móng, mặt phủ vữa nhựa đường đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đường giao thông chịu được tải trọng lớn…

Tuy nhiên, việc phát triển khoa học-công nghệ ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Kết quả nghiên cứu mới ở một số ngành, lĩnh vực, chưa tạo sự thay đổi căn bản về đóng góp của khoa học-công nghệ cho phát triển kinh tế. Việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp và địa phương.  

Trước thực tế năng lực khoa học-công nghệ của tỉnh ta còn yếu, nhiều ý kiến cho rằng do nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nhưng thực tế cho thấy, kinh phí chưa phải là yếu tố quyết định đến chất lượng, năng lực nghiên cứu khoa học, công nghệ. Cùng với đó, nhiệm vụ khoa học-công nghệ còn dàn trải, chưa xác định được trọng tâm phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương, chưa tập trung vào các đề tài lớn, có thể làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Mặt khác, việc chưa huy động được các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học -công nghệ cũng là một hạn chế cần khắc phục.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế nói trên là cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển khoa học-công nghệ trong thời gian tới. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cũng đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học trong phát triển các vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung và các sản phẩm có lợi thế”. Chính vì thế, để khoa học và công nghệ của tỉnh ta phát triển cần có những đề tài, dự án có thể tạo nên “cú huých“ cho kinh tế-xã hội của tỉnh đột phá.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm