Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm nâng cao chất lượng cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số đang là vấn đề không dễ giải quyết. Tính đến cuối năm 2014 toàn tỉnh còn 44.164 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,96%; trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 37.405 hộ, chiếm 84,70%.

 Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.Ảnh: Đ.T
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: Đ.T

Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đưa ra chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân/năm là 3,18% (theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2011-2015). Trong khi đó ở tỉnh ta, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn cao nên đây là những thách thức không nhỏ cho các cấp, các ngành.

Tham luận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020), nhấn mạnh: Những năm qua, thực hiện công tác giảm nghèo nói chung và công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả nhất định. Hộ nghèo đã được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, mua thẻ bảo hiểm y tế. Giải quyết việc làm cho khoảng 120.000 lao động, trong đó có 52.800 lao động là người dân tộc thiểu số; có 1.800 lao động/6.500 lao động người dân tộc thiểu số đã đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại nước ngoài.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh cũng đã dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 được 31.676 người, trong đó dạy nghề cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số là 26.967 người (chiếm 85%). Thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững, từ năm 2010 đến 2015 tỉnh đã xây dựng được 14 mô hình tại 35 xã, với 556 hộ nghèo thụ hưởng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong công tác giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay là chưa thật sự bền vững. Chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo tuy nhiều nhưng phân tán, chưa tạo động lực về sinh kế cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Công tác tuyên truyền vận động chưa sâu, chưa được tổ chức thường xuyên, vẫn còn một bộ phận người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, chỉ trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm còn hạn chế, bất cập…

Hơn nữa, ngày 15-9-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”, theo đó chuẩn nghèo thu nhập dự kiến năm 2015 là 800.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 1 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Các tiêu chí thu nhập sẽ được sử dụng để tính tỷ lệ nghèo và cận nghèo thu nhập, tỷ lệ hộ sống dưới mức trung bình; đồng thời kết hợp với tiêu chí thiếu hụt đa chiều để tính tỷ lệ nghèo, cận nghèo đa chiều chung của quốc gia, với việc xác định 5 chiều: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin thì tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ lại càng tăng lên.  

Đề cập việc thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm trong đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình mới và thực hiện đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, Sở được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực thực hiện quản lý và thực hiện các chính sách về lĩnh vực giảm nghèo của tỉnh, chúng tôi đã đề xuất 2 nhóm giải pháp: Một là, về cơ chế, tỉnh nên ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo và chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ về hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh nên có những cơ chế cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo việc làm mới thông qua các chương trình, dự án mà các doanh nghiệp trong-ngoài tỉnh đang đầu tư. Hai là về biện pháp triển khai thực hiện: Tiếp tục tập trung thực hiện công tác rà soát đánh giá đúng hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động làm cho mỗi người nghèo, mỗi hộ gia đình nhận thức rõ chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững; tăng cường giải quyết việc làm; tiếp tục rà soát hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số để có những chính sách hỗ trợ phù hợp; hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số”.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm