Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho hộ nghèo dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010-2015), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã phát động và chỉ đạo MTTQ các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.


Tháng 7-2011, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 449/KH-MT triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai điểm thực hiện cuộc vận động tại 3 huyện: Kbang, Krông Pa và Chư Prông.
 

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu qua 4 năm thực hiện cuộc vận động Ảnh: T.N
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu qua 4 năm thực hiện cuộc vận động. Ảnh: T.N

Các địa phương đã tổ chức 1.526 buổi tuyên truyền, vận động với trên 134.235 lượt người tham gia, bằng nhiều hình thức như tại các buổi sinh hoạt khu dân cư, phối hợp với các ngành liên quan trong việc tập huấn hướng dẫn đồng bào DTTS về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm cho đồng bào DTTS, vận động đồng bào DTTS thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tuyên truyền, vận động bà con tham gia các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thực hiện Pháp lệnh Dân số..., gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhiều địa phương đã đa dạng hóa việc tuyên truyền và chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở các làng đồng bào DTTS, phối hợp với già làng, người có uy tín và đội ngũ nhân viên y tế thôn, làng, xây dựng nếp sống mới trong các làng đồng bào DTTS, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ năng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho 300 cán bộ Mặt trận và đoàn thể ở cơ sở và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, tập huấn công tác tuyên truyền và vận động xóa đói giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS. Tổ chức cho 150 hộ nghèo đồng bào DTTS tham quan học hỏi kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây ớt, nuôi heo rừng lai và cải tạo vườn tạp thâm canh cây cà phê; mở 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho 300 đối tượng đồng bào DTTS nghèo...

 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể còn trích kinh phí từ Quỹ “Vì người nghèo”, vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ hộ đồng bào DTTS nghèo phát triển sản xuất với số tiền trên 3,6 tỷ đồng, triển khai xây dựng 139 mô hình điểm với 467 hộ gia đình tham gia thực hiện. Đoàn Thanh niên tỉnh với mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên DTTS tại xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ). Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với mô hình trồng mía giống mới tại huyện Ia Pa, trồng lúa năng suất chất lượng cao tại huyện Chư Prông... Các địa phương như huyện Mang Yang xây dựng mô hình hoán đổi ngày công giúp nhau phát triển sản xuất trong đồng bào DTTS. Thành phố Pleiku và thị xã An Khê với mô hình phụ trách làng và giao vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Huyện Kbang và Chư Prông với mô hình vận động, tư vấn, hướng dẫn đồng bào DTTS áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thị xã Ayun Pa với mô hình hỗ trợ bò giống “Đại đoàn kết”. Huyện Đak Pơ với mô hình trồng nấm rơm và trồng cỏ nuôi bò lai, trồng cây ăn trái. Huyện Krông Pa với mô hình cầm tay chỉ việc giúp đỡ đoàn viên, hội viên DTTS nghèo biết cách làm ăn, biết chi tiêu hợp lý, tích lũy vốn đầu tư sản xuất...

Từ hiệu quả bước đầu của những mô hình điểm, các đơn vị đã nhân rộng lên 298 mô hình với 986 hộ gia đình tham gia thực hiện. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã làm chuyển biến về nhận thức cho đồng bào DTTS trong sản xuất và đời sống. Đồng thời, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất như tiếp thu học hỏi cái mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế tại chỗ, qua đó đã có gần 4.400 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo và hàng trăm hộ vươn lên thành hộ khá; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 là 13,69% và dự kiến đến cuối năm 2015 giảm còn 11,67%.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm