Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Cần quan tâm hơn nữa công tác thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết số 24/2010/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh, Sở Nội vụ đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị địa phương rà soát thống kê trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xác định những ngành, lĩnh vực cần thiết có trình độ sau đại học, trên cơ sở đó dự kiến nhu cầu đào tạo, số lượng cán bộ cần đào tạo để xây dựng quy hoạch đào tạo sau đại học theo từng giai đoạn.


Trong giai đoạn 2011-2014, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho 198 thạc sĩ, 50 bác sĩ chuyên khoa I, 2 bác sĩ chuyên khoa II và 3 tiến sĩ. Về thu hút người có trình độ cao về công tác, tỉnh đã giải quyết chế độ thu hút cho 255 người (1 tiến sĩ, 4 bác sĩ chuyên khoa I, 92 thạc sĩ và 158 đại học loại giỏi, xuất sắc). Số lượng tiến sĩ, thạc sĩ và chất lượng, năng lực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tăng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển ngày càng cao của xã hội.
 

Giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Ảnh: T.N
Giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Ảnh: T.N

Tuy nhiên qua tìm hiểu được biết, mặc dù đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh từng bước được chuẩn hóa, nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao và tỷ lệ có trình độ sau đại học còn thấp, nhất là ở một số ngành như: Y tế, Xây dựng, Khoa học-Công nghệ... Bên cạnh đó, chính sách thu hút của tỉnh chưa đủ mạnh để có sức thu hút được lực lượng cán bộ khoa học, quản lý và lao động có trình độ, tay nghề cao. Nguồn nhân lực có trình độ cao phân bổ không đồng đều giữa các ngành, các địa phương, phần lớn tập trung ở thành thị và trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Chính sách thu hút theo quy định trên chưa cụ thể hóa những ngành nghề mà tỉnh còn thiếu, thật sự có nhu cầu, chưa phân loại rõ ràng trường công lập, ngoài công lập, loại hình chính quy hay không chính quy. Trong khi đó, chất lượng đào tạo của các trường công lập và dân lập còn có sự chênh lệch. Kinh phí hỗ trợ cũng như các điều kiện hỗ trợ liên quan khác của tỉnh cho các đối tượng thu hút còn thấp, chưa thật sự thu hút những người có trình độ cao từ địa phương khác về Gia Lai công tác.

Mặt khác, người có trình độ cao về công tác tại tỉnh phần lớn phải chờ đến kỳ tuyển dụng mới nộp hồ sơ dự tuyển cạnh tranh, rất ít trường hợp được tuyển dụng ngay. Đồng thời, việc thực hiện chính sách người có trình độ cao được giao đất xây dựng nhà ở (theo quy định tại Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh) trên địa bàn tỉnh cũng rất hạn chế...

 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

Ngoài ra, công tác quy hoạch đào tạo sau đại học chưa sát với nhu cầu. Các cơ quan, đơn vị chưa xác định danh mục vị trí việc làm cần người có trình độ cao để công khai thực hiện, còn lúng túng trong việc bố trí sử dụng để phát huy năng lực, kiến thức và sở trường của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách thu hút người giỏi, người có trình độ cao chưa đủ mạnh, chưa thật  sự phát huy và chưa sát với thực tế địa phương, còn mang tính chung chung, chậm được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời nên chưa phù hợp với tình hình mới, không đủ sức hấp dẫn thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung cho tỉnh nhất là những ngành, lĩnh vực quan trọng, cần thiết còn thiếu...  

Theo chúng tôi, thời gian tới, tỉnh cần sớm xem xét sửa đổi các quy định liên quan về chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác cho phù hợp với tình hình thực tế. Chính sách thu hút cần cụ thể, quan tâm ưu tiên đối với người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và thạc sĩ trở lên học tại các trường công lập hệ chính quy. Nâng mức hỗ trợ để thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, giỏi hệ chính quy các trường công lập; thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I và II, người có trình độ cao ngành khoa học... Đồng thời, cần xác định rõ danh mục ngành, nghề trình độ cao và đại học loại giỏi cần thu hút trong từng giai đoạn theo nhu cầu thực tế ở từng địa phương và sở, ngành.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm