Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Đảng bộ xã Ia Glai: Học tập và làm theo gương Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 4 năm (2011- 2014), tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Ia Glai (huyện Chư Sê) luôn ổn định (bình quân 10,5%), thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 27 triệu đồng/năm (tăng 1,37 lần so với năm 2011), tỷ lệ nghèo giảm từ 13,38% năm 2011 xuống còn 2,7% năm 2014; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đó là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Đảng bộ xã.

Nhân dân đồng tình

 

Một góc xã Ia Glai. Ảnh: N.D
Một góc xã Ia Glai. Ảnh: N.D

Nói về cách triển khai thực hiện Chỉ thị 03, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trần Viết Hùng cho biết: Sau khi có Chỉ thị 03 và các văn bản hướng dẫn của trên, Đảng ủy xã đã tập trung xây dựng kế hoạch, trong đó chú trọng đẩy mạnh việc làm theo. Điều đáng trân trọng nhất là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từng giai đoạn, từng thời điểm được nhân dân đồng tình cao. Thể hiện ở chỗ cán bộ và nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình các hoạt động vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo… của địa phương; đã duy trì và phát huy các loại quỹ như: quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Chăm sóc người cao tuổi”, “Nạn nhân chất độc da cam/dioxin”... Trong 4 năm (2011-2014), xã đã hỗ trợ xây dựng được 3 căn nhà cho hộ nghèo với số tiền 40 triệu đồng từ quỹ “Vì người nghèo”; duy trì các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người tàn tật, người cao tuổi vào các ngày lễ, Tết với số tiền trên 100 triệu đồng.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, những năm qua, nhân dân đã tự giải tỏa lòng, lề đường nội thôn, đường liên thôn; giữ gìn vệ sinh môi trường (đào hố rác gia đình) xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt, đưa con em trong độ tuổi đến trường đạt trên 99,5%; tham gia bảo hiểm y tế; đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Đã làm được 1.386 mét đường giao thông nông thôn với tổng giá trị là 1,293 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 143 triệu đồng. Điển hình là ông Rơ Châm Em ở làng Ngol đã phá bỏ một hàng tiêu hiến tặng 150 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; bà Siu Blat ở làng Pang hiến tặng 12 m2 đất để xây dựng trường mẫu giáo... Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay đã đạt 16/19 tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2015 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả

 

Ảnh: N.D
Ảnh: N.D

Đảng bộ xã Ia Glai hiện có 118 đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 14 chi bộ. Các chi bộ đã gắn việc thực hiện Chỉ thị 03 với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua đó, đã phát huy được tính tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên, làm nòng cốt trong thực hiện cuộc vận động của các đoàn thể, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Hiệu quả của việc làm theo gương Bác đã phát huy được ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm thực thi công việc được nâng lên, thái độ phục vụ nhân dân tốt hơn. Kết quả đánh giá hàng năm đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 80%.

Thực hiện cuộc vận động, Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều việc làm ý nghĩa trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, hội viên. Hội Nông dân tự thành lập quỹ giúp hội viên nghèo vay vốn sản xuất với số tiền 86 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh đóng góp quỹ được 124 triệu đồng. Hội Phụ nữ với “Hũ gạo tiết kiệm” đã huy động được 5,5 tấn gạo và đã trích 4 tấn giúp cho 100 chị em hội viên nghèo; gây quỹ cho vay không tính lãi với số tiền 227 triệu đồng cho 34 hội viên vay chăm sóc cây trồng; vận động chị em nuôi heo đất được 648 con và trích ra 20 triệu đồng giúp cho 150 hội viên khó khăn, tặng 1 con bò cho hộ nghèo trị giá 10 triệu đồng và tham gia tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó mỗi năm 2 suất trị giá 1 triệu đồng/suất.

Đối với chi bộ nhà trường, mỗi cán bộ và thầy-cô giáo đều đăng ký sáng kiến, kinh nghiệm để áp dụng trong thực tế giảng dạy, nhất là các sáng kiến về đồ dùng dạy học tiết kiệm được chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy. Trong những năm qua, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương có 31 sáng kiến được công nhận cấp trường và 15 sáng kiến được công nhận cấp huyện; Trường THCS Mạc Đĩnh Chi có 15 sáng kiến được công nhận cấp trường và 11 sáng kiến được công nhận cấp huyện. Ngoài ra, nhà trường tập hợp được 28 cháu học sinh vào đội cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của cồng chiêng Tây Nguyên. Xã đầu tư cho trường 1 bộ cồng chiêng và trưng dụng nghệ nhân cồng chiêng ở các làng vào chủ nhật hàng tuần đến truyền dạy cho các cháu.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm