Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

"Chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 9-10%/năm là phù hợp"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- L.T.S: Để góp ý vào Dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV trình  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính về các nội dung liên quan đến vấn đề thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
 

 

P.V: Dự thảo báo cáo trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) phần những thành tựu có nêu: hoạt động tài chính, ngân hàng đạt được kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt dự toán, tăng bình quân 18,84%/năm, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân hàng năm đạt 10,3%, vượt chỉ tiêu Đại hội XIV. Công tác quản lý chi, điều hành ngân sách thực hiện đúng chế độ. Các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và quốc phòng-an ninh được đảm bảo. Thế nhưng trong phần những hạn chế, yếu kém lại đánh giá “khả năng tự cân đối ngân sách của địa phương còn khó khăn”. Theo đồng chí, đánh giá như thế đã thỏa đáng chưa? Tại sao?

- Đồng chí Nguyễn Dũng: Theo tôi, dự thảo đánh giá như vậy là thỏa đáng, phù hợp với thực tế của tỉnh ta là một tỉnh nghèo, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 12,81%; tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 18,84%/năm, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách hàng năm tuy còn thấp, chỉ đạt 10,3% (cả nước đạt khoảng 23%), nhưng vẫn đạt và vượt dự toán thu ngân sách đã đề ra năm 2015. Nguyên nhân chính là do trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chính sách khoan thư sức dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân tập trung nguồn vốn cho đầu tư sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, đây cũng là chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo đà cho thời kỳ sau phát triển. Nói một cách cụ thể hơn là Chính phủ đã thực hiện miễn giảm nhiều sắc thuế, giảm thu cho tỉnh ta trên 2.334 tỷ đồng nên chỉ còn phải huy động 2.700 tỷ đồng, nếu không thực hiện chính sách miễn giảm thuế này thì tổng thu trên địa bàn sẽ đạt 5.034 tỷ đồng, vượt mục tiêu dự toán thu ngân sách mà Nghị quyết Đại hội XIV đề ra (4.900 tỷ đồng).

 

 

Trong phần hạn chế, yếu kém mà Dự thảo báo cáo chính trị nêu là: “Khả năng tự cân đối ngân sách của địa phương còn khó khăn, hàng năm Trung ương phải trợ cấp bổ sung trên 50%”. Đây thực ra không phải là yếu kém mà là khó khăn, hạn chế, hay nói đúng hơn là do thu ngân sách trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu chi nên địa phương phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn hỗ trợ, bổ sung cân đối của Trung ương mới đảm bảo được nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, đảm bảo được nguồn để thực hiện các chế độ, chính sách mà Nhà nước ban hành, nhất là các chính sách an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp…

Vì vậy, việc xây dựng dự toán hàng năm thường không chủ động được, một mặt do chính sách huy động nguồn thu thay đổi, mặt khác nhiệm vụ chi lại phụ thuộc vào chế độ, chính sách mới và tiến độ trợ cấp từ ngân sách Trung ương nên việc cân đối tài chính rất khó khăn và bị hạn chế. Cụ thể như năm 2015 dự kiến tổng thu ngân sách trên địa bàn 2.700 tỷ đồng, trong khi đó nhu cầu chi là 6.450 tỷ đồng, nếu tính cả phần bổ sung có mục tiêu cho địa phương thì tổng chi là 8.235 tỷ đồng, tăng 43,2% so với năm 2010, tỷ lệ trung ương bổ sung cân đối chiếm trên 60% tổng chi ngân sách địa phương. Như vậy, có thể nói Trung ương miễn giảm chính sách thuế thì đồng thời Trung ương bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nếu do yếu tố nào đó làm giảm nguồn thu ngân sách trung ương và tăng nhiệm vụ chi của Trung ương thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn và tiến độ bổ sung dự toán chi cho địa phương.

Ví dụ như năm 2015 giá dầu thô giảm đã tác động rất lớn đến nhiệm vụ chi của địa phương, làm cho chi thường xuyên mặc dù Trung ương đã giao đủ ngay từ đầu năm nhưng sau đó lại phải giảm trừ 10% tiết kiệm trong 8 tháng còn lại theo chỉ đạo của Trung ương, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Vì vậy, muốn chủ động trong xây dựng và thực hiện dự toán ngân sách, chúng ta cần có cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển bền vững nhằm tạo nguồn thu ổn định, vững chắc và tăng dần tỷ lệ tự cân đối nhằm chủ động đảm bảo được các nhiệm vụ chi trên địa bàn.

P.V: Còn về chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 10-11%/năm, đồng chí thấy có phù hợp không? Vì sao?

- Đồng chí Nguyễn Dũng: Theo tôi, tỉnh nên đưa ra chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 9-10% là phù hợp, vừa chủ động, vừa vững chắc, vì giai đoạn 2016-2020 tỉnh ta vẫn còn là tỉnh nghèo, mặc dù giai đoạn 2010-2015 tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 18,84%/năm.

Theo dự ước của các cơ quan Thuế, Hải quan… thì đến năm 2020 sau khi trừ các khoản miễn giảm thuế và nguồn thu viện phí để lại cho các bệnh viện, không đưa vào cân đối ngân sách thì tổng thu trên địa bàn sẽ đạt trên 4.188 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân trên 9,18%. Dự kiến giai đoạn 2016-2020  nhiều dự án đã được đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác sẽ phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ tài chính đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách tỉnh như: dự án mở rộng và nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku, dự án của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Tây Nguyên chế biến các sản phẩm sữa doanh thu hàng năm tăng 15% so với năm trước, dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly tăng công suất phát từ 720 MW lên 1.080 MW từ năm 2018 (công suất tăng thêm 360 MW), dự án Nhà máy nhiệt điện bã mía công suất 22,6 MW của Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Gia Lai, dự án mở rộng Nhà máy Đường An Khê tăng công suất lên 6.000 tấn/ngày, Công ty cổ phần Mía đường Gia Lai (Nhà máy Đường Ayun Pa) tăng công suất 2.800 tấn/ngày (từ 3.200 tấn/ngày lên 6.000 tấn/ngày),… Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 269/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường sẽ làm tăng mức huy động từ nguồn thu này.

Như vậy, với mức phấn đấu thu hàng năm giai đoạn 2016-2020 khoảng 9-10% là phù hợp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các ngành, các cấp phải tạo mọi điều kiện thuận lợi như về thủ tục đất đai; cấp phép đầu tư; chính sách liên kết phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện tốt chính sách tín dụng, cải tiến thủ tục kê khai, quyết toán thuế… để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện tốt mục tiêu dự án, bảo đảm đạt hiệu quả, đúng tiến độ thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Cùng với đó cần đẩy mạnh việc phân cấp nguồn thu, tỷ lệ điều tiết ổn định trong 5 năm để các huyện, thị xã, thành phố phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc tạo lập, nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu tăng thêm, bổ sung nhiệm vụ chi cần thiết của địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trong nhiệm kỳ.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí.

Nguyễn Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm