Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Cần đánh giá sâu hơn về lĩnh vực kinh tế và giáo dục-đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Đảng bộ các địa phương đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Đặc biệt, để dự thảo Báo cáo chính trị thực sự là sản phẩm của trí tuệ tập thể, các Đảng bộ địa phương đã có những đóng góp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm và chi tiết ở nhiều lĩnh vực.
Điều chỉnh một số chỉ tiêu về kinh tế
Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng, góp phần hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Theo ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa: Hầu hết ý kiến đóng góp đều đánh giá dự thảo văn kiện trình Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh được chuẩn bị chu đáo, công phu, nghiêm túc. Trong đó, Báo cáo chính trị có tính khái quát cao, diễn đạt mạch lạc, rõ ràng; bố cục chặt chẽ, hợp lý; văn phong súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Báo cáo đánh giá khách quan kết quả thực hiện nghị quyết trong nhiệm kỳ, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trên các lĩnh vực. Đồng thời, chỉ ra nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện; đề ra quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu và nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi làm cơ sở thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.
 Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc tham gia góp ý xây dựng văn kiện của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đak Đoa khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020). Ảnh: M.T
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc tham gia góp ý xây dựng văn kiện của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đak Đoa khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020). Ảnh: M.T
Về kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020, ở lĩnh vực kinh tế, nhiều ý kiến đề nghị đánh giá thêm hiệu quả đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Ở khu vực kinh tế này, dự thảo Báo cáo chính trị chỉ mới đề cập kết quả tăng về số lượng, quy mô vốn đầu tư nhưng chưa đánh giá được hiệu quả đóng góp vào GRDP. Do vậy, cần có cái nhìn sâu hơn về kinh tế cá thể, hộ gia đình để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp lý. Đặc biệt, cần bổ sung đánh giá về vai trò tổ hợp tác vì đây là loại hình khởi đầu của kinh tế tập thể. Cùng với đó là đánh giá nghiêm túc kết quả hoạt động của một số hợp tác xã kiểu mới nhằm chứng minh xu thế phát triển kinh tế tập thể là cần thiết.
Một số ý kiến cho rằng, các vùng kinh tế được đầu tư phát triển gắn với liên kết vùng cũng cần đánh giá rõ kết quả đạt được, nhất là liên kết vùng nội tỉnh, liên kết với các tỉnh và các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước; mối liên kết kinh tế cửa khẩu trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam để có định hướng tốt hơn trong nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó, cần xác định mối liên kết giữa Gia Lai với các tỉnh Duyên hải miền Trung và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, khai thác tối đa tuyến quốc lộ 19 gắn với Cảng Quy Nhơn trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 9,5% trở lên trong nhiệm kỳ 2020-2025 là quá cao. Bởi tính cả nhiệm kỳ 2015-2020, năm có mức tăng cao nhất chỉ đạt trên 8,1% và bình quân mới đạt trên 7,9%/năm. Ngược lại, cần nâng chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới vì trong nhiệm kỳ tới chỉ phấn đấu thêm 39 xã/12 huyện (trừ những huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn năm 2020) là thấp, trong khi tính đến hết năm 2020, tỉnh dự kiến có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tiếp tục đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo
Ông Võ Nguyên Nam-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kông Chro-cho biết: Tại hội nghị tham gia góp ý dự thảo Báo cáo chính trị lần 1 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh do Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức, nhiều ý kiến tập trung vào lĩnh vực giáo dục-đào tạo. Trong đó, các đại biểu đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo bám sát các nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” để đánh giá đầy đủ, khách quan kết quả đạt được.
Cụ thể, về quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục, cần đánh giá sâu và đầy đủ hơn việc sáp nhập trường lớp theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; hệ thống trường ngoài công lập; thực hiện đề án đầu tư nâng cấp quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú nhiệm kỳ trước đã đề ra. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn toàn diện về chất lượng và số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thừa hay thiếu (có số liệu minh chứng); việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa XI).
Nhiều góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho rằng, tỉnh cần tiếp tục đầu tư phát triển sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo
Nhiều góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho rằng, tỉnh cần tiếp tục đầu tư phát triển sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo. Ảnh: Minh Nguyễn
Trên thực tế, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên trong những năm qua còn nhiều bất cập, nguồn lực bố trí chưa phù hợp hoặc chậm, như: quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non; quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, cần bổ sung nội dung đánh giá vấn đề hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, như: kết quả tham gia các dự án phát triển giáo dục (dự án phát triển giáo dục mầm non do Chính phủ New Zealand tài trợ, dự án phát triển trẻ thơ toàn diện (giai đoạn 2017-2021), dự án SEQAP...); việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Đi đôi với việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên thì cần chủ động tìm kiếm nguồn lực đầu tư ngoài nước từ các dự án để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu. Do vậy, cần bổ sung các nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới; giải quyết vấn đề học sinh bỏ học giữa chừng, giáo dục đạo đức học sinh, an ninh học đường như đã nêu ở phần tồn tại, hạn chế.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm