(GLO)- Gia Lai hiện có trên 885.000 ha đất lâm nghiệp/1,55 triệu ha diện tích tự nhiên. Trong số đó, đất có rừng là 624.000 ha. Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV chuẩn bị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) thì độ che phủ rừng đạt 46,7%, có nghĩa là đất trống đồi trọc đã từng bước được phủ xanh. Cũng theo tài liệu trên, kể từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được 25,2 ngàn ha rừng. Riêng năm 2019, toàn tỉnh trồng được 5.096 ha rừng tập trung, giao khoán bảo vệ rừng trên 154.000 ha. Đó là những con số đáng mừng!
Năm 2019, toàn tỉnh trồng được 5.096 ha rừng tập trung, giao khoán bảo vệ rừng trên 154.000 ha. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trồng rừng kinh tế và rừng tập trung nhằm phủ xanh đồi trọc, phòng hộ là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc giữ rừng tự nhiên hết sức quan trọng, hệ động-thực vật dưới tán rừng tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, trong khi rừng trồng không có được điều này. Qua các kênh báo chí truyền thông, chúng tôi thấy việc bảo vệ rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn Gia Lai chưa thật hiệu quả. Nhiều vụ phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép còn diễn ra. Huyện Kbang là địa phương còn nhiều rừng tự nhiên, có nhiều loại gỗ quý hiếm, nhất là giáng hương, nhưng liên tục bị lâm tặc đe dọa. Khu vực các huyện biên giới như Ia Grai, Chư Prông... nhiều cánh rừng tự nhiên bị khai thác trắng để lấy đất sản xuất. Đó là chưa kể hàng vạn héc ta rừng khộp ở các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pưh đã bị khai hoang chuyển đổi sang trồng cây cao su nhưng không hiệu quả. Tình trạng phá rừng diễn ra liên tục, nhiều vụ phức tạp, khi cơ quan chức năng phát hiện thì đã muộn, nhất là việc điều tra, xử lý không kịp thời và thiếu nghiêm minh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh đã phát hiện 476 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xảy ra 8 vụ cháy rừng gây thiệt hại trên 90 ha.
Ngoài trồng rừng tập trung, công tác chỉ đạo, tạo dựng phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân chưa được chú ý đúng mức. Nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số không có cây xanh. Nếu chính quyền quan tâm, có kế hoạch, quy hoạch, chỉ đạo tốt việc trồng cây xanh, cây lấy gỗ, nhất là các loài cây cho gỗ quý hiếm và cây ăn quả có thân gỗ lớn trong vườn nhà, trong nương rẫy, chắc chắn trong tương lai sẽ có những vườn cây phủ xanh đất trống đồi trọc, cho hiệu quả kinh tế cao. Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến việc phát động phong trào trồng cây trong nhân dân. Học tập và làm theo Bác, thiết nghĩ, hàng năm, mỗi địa phương, đơn vị cần xây dựng và duy trì phong trào trồng cây trong nhân dân một cách thiết thực, có thể dành một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con địa phương trong việc trồng cây phân tán. Có thể đưa việc trồng cây, tạo “làng cây xanh” vào chỉ tiêu công nhận làng, xã nông thôn mới.
Cùng với tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên, giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; quy hoạch, lập kế hoạch trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ thì việc phát động phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân cũng là vấn đề cần quan tâm đúng mức. Chúng tôi nghĩ, đó là việc nên làm. “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, lời dạy của Bác năm xưa chưa hề cũ. Theo Bác, việc trồng cây phân tán trong nhân dân là việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Gia Lai là tỉnh miền núi mà độ che phủ của rừng chỉ đạt 46,7% (kể cả cây cao su) là không lớn. Theo dự thảo Báo cáo chính trị đã nói ở trên, hướng phấn đấu đến năm 2025, nâng độ che phủ của rừng lên 47,4% vẫn là một chỉ tiêu khá khiêm tốn.
Đoàn Minh Phụng