Mỗi lễ hội của đồng bào Jrai đều có ý nghĩa, đặc trưng riêng, song tựu trung lại vẫn là nếp sinh hoạt cộng đồng thể hiện tinh thần luôn hướng đến các đấng thần linh (Yàng) để cầu may mắn có được những điều tốt đẹp, sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ tạ ơn là nghi lễ truyền thống giàu tính nhân văn thể hiện lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của con cháu đối với công sinh thành, dưỡng dục; đồng thời cũng là trách nhiệm, bổn phận của con cháu khi đã trưởng thành.
Thời điểm tổ chức lễ tạ ơn thường là lúc nông nhàn, dịp nghỉ lễ, Tết để con cháu gần xa, họ hàng dòng tộc có thể thu xếp công việc đến chung vui. Điều quan trọng hơn cả là lễ tạ ơn được tổ chức tại thời điểm ông bà, cha mẹ còn khỏe mạnh để có thể hưởng trọn ngày vui đoàn tụ gia đình, hưởng phúc lộc từ con cháu.
Già làng làm lễ tuyên bố lý do, nói về công lao của cha mẹ với con cái. Ảnh: Tuấn Nguyễn/baodantocmiennui |
Ý nghĩa tốt đẹp của lễ tạ ơn là vậy. Tuy nhiên, hiện nay, nghi lễ này ở một số gia đình người Jrai lại được tổ chức theo kiểu “biến tấu” hoặc chọn thời điểm không phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế. Theo lời kể của anh Siu Hiếu (buôn Ma Djơng, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa), trong tháng 9 vừa qua, anh có dịp tham dự lễ tạ ơn. Các nghi lễ được tiến hành chỉn chu, đúng trình tự các bước, lễ vật heo, gà, rượu ghè đầy đủ, người thân, họ hàng, bạn bè gần xa đến chung vui khá đông nhưng điều khiến anh Hiếu suy nghĩ là người cha-nhân vật chính trong lễ tạ ơn này lại không thể ngồi dậy để tận hưởng ngày vui một cách trọn vẹn.
Người cha năm nay đã ngoài 80 tuổi và đang bị bệnh hiểm nghèo. Trong lúc tiến hành nghi lễ, người cha chỉ nằm trên giường. Lễ tạ ơn do 5 trong số 8 người con của ông tổ chức với 3 con bò, 3 con heo, hàng chục con gà, rượu ghè làm lễ vật dâng thần linh và đãi tiệc người thân, họ hàng.
Nghĩ đến lễ vật lớn trong lễ tạ ơn được tổ chức linh đình trong khi người cha không thể tận hưởng, anh Siu Hiếu cảm thấy xót xa, buồn và tiếc nuối. Nếu như số lễ vật này được những người con đem bán lấy tiền chữa trị bệnh cho người cha thì có lẽ đó mới thực sự là lòng hiếu thảo, lòng biết ơn vô hạn của con cái đối với cha mẹ khi lâm bệnh.
Một câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại buôn Mí Hoan A (xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Đây là lễ tạ ơn do 9 người con tổ chức cho người mẹ đang nằm liệt giường vì bị gãy chân. Lễ vật tạ ơn gồm 3 con bò, 5 con heo, 16 con gà. Điều đáng nói ở đây chính là giá trị của những lễ vật này. Thay vì đem giết mổ dâng lễ tạ ơn thì các con hoàn toàn có thể gom góp đủ để người mẹ được chữa trị kịp thời, có thể sống vui bên con cháu. Và rồi, chỉ vài ngày sau lễ tạ ơn, người mẹ đã về với cõi atâu.
Thiết nghĩ, việc duy trì tổ chức các nghi lễ truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung, cộng đồng người Jrai nói riêng là cần thiết, qua đó góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Thế nhưng, duy trì như thế nào, tổ chức ra sao, đem lại hiệu quả gì là điều cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Nếu không sẽ làm biến hóa giá trị cốt lõi của các nghi lễ truyền thống, đồng thời gây tốn kém, hoang phí, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.
Các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng như cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Đây chính là cơ sở để các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, trong đó có việc bảo tồn, phát huy các nghi lễ, sinh hoạt lễ hội truyền thống sao cho vừa gìn giữ giá trị bản sắc dân tộc, vừa phù hợp điều kiện, thực tiễn của đời sống xã hội hiện tại và giá trị nhân văn.