Cần trả lại tên cho một ngọn thác đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đức Cơ có một ngọn thác rất đẹp thuộc địa phận 2 xã Ia Nan và Ia Pnôn. Cả dân gian và trong văn bản chính thống, nó đều được gọi là thác Ông Đông (Đồng hoặc C10). Định danh như vậy có đúng không?
Lai lịch một thắng cảnh
Ông Khuyên Đông, sinh năm 1944, cán bộ hưu trí, người được đặt tên cho thác. Ảnh N.Q.T
Ông Khuyên Đông. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Khuyên Đông (làng Tung, xã Ia Nan) vốn tên là Bêch, người dân tộc Bahnar ở làng Dơng, xã Yang Trung, huyện Kông Chro (Khu 7). Năm 1960, khi tròn 16 tuổi, ông thoát ly theo cách mạng. Sau này, ông làm Đội trưởng Đội văn công của tỉnh ở căn cứ Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang). Sau năm 1975, ông được cử đi học tại Đà Nẵng rồi trở về công tác ở Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai.
Ông nhớ lại: Mấy năm sau giải phóng, cán bộ Binh đoàn 15 đi tìm đất để trồng cao su thì gặp ngọn thác đẹp. Họ không biết tên nó là gì, nhưng bằng cách nào đó họ biết ông là chủ của đám rẫy cạnh đấy. Đường đi lối lại khó khăn, họ liền lấy tên ông đặt cho thác nước để dễ nhận ra khu đất đã chọn. Thác mang tên Ông Đông có từ ngày đó.
Ông kể tiếp: “Mình tên Bêch, vào căn cứ Khu 10, anh em thấy chân cong cong như cái vòng kiềng thì bảo là khuỳnh, rồi cũng chẳng hiểu vì sao từ khuỳnh lại chuyển sang Khuyên Đông. Khuyên Đông là gì mình không hiểu, nhưng thấy mọi người gọi tên mình như thế cũng hay hay thì cứ mặc kệ. Hồi chiến tranh, ở căn cứ Khu 10, nhiều người có 2 tên lắm: Ông Bình và ông Đẳng là một; ông Lê Tam còn có tên là Nguyễn Hùng. Bà H’Ngia xinh đẹp, vốn tên là Khot, nhưng anh em văn công thấy tai bà nghe giỏi quá, học hát múa nhanh quá thì đặt cho tên mới là Ngia; Ngia tiếng Bahnar có nghĩa là tai, cái tai tài giỏi”.
Cái tên thác Ông Đông, ban đầu chỉ nói miệng với nhau thế thôi, nào ngờ sau này lại vào cả giấy tờ. Ông Khuyên Đông lắc đầu phân trần: “Mình là người Bahnar, gọi tên thác như thế là không hay. Mai mốt, chết đi rồi, mà người ta vẫn cứ gọi tên mình với cái thác ấy là không được. Cữ lắm!”.
Cao hơn 10 m, thác Ông Đông/Ông Đồng chính tên là Jrai Glong/Thác Cao. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Cao hơn 10 m, thác Ông Đông/Ông Đồng chính tên là Jrai Glong/Thác Cao. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Tôi chen ngang: “Vậy tên bác không được đặt cho thác rồi. Người ta gọi là thác Ông Đồng kia mà?”. Ông cười phá lên: “Làm rẫy ở đó từ sau năm 1975 đến giờ, có ai tên Đồng không? Không có! Là do người ta nói nhầm, ghi sai thôi. Đông không phải Đồng! Đến giờ vẫn còn nhiều người gọi là thác Ông Đông đấy, nhưng báo chí thì đã ghi khác rồi. Không được đâu, tôi không tự hào gì cả mà bực thì đúng hơn. Các làng Jrai ở đây cũng không thích ai gọi dòng thác của họ như vậy. Nó có tên là Jrai Glong tức là Thác Cao, sao không gọi mà lại lấy tên tôi để đặt mới?”.
Trả lại tên cho thác
Chủ tịch UBND xã Ia Nan Bùi Thị Thanh xác nhận: Không rõ tên thác được đặt từ khi nào, chỉ biết nhiều người gọi là thác Ông Đông (hoặc Đồng). Sở dĩ gọi như vậy là vì người ta căn cứ vào vị trí đám rẫy ở gần thác của gia đình bác Khuyên Đông.
Về tên gọi khác của thác là C10, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan Nguyễn Văn Bằng giải thích: C10 là cách gọi mới, khi đội sản xuất số 10 của Công ty 72 đến đóng gần khu vực thác nước. Trong quân đội, C là ký hiệu chỉ đại đội; ở đây, 1 đội sản xuất tương đương với 1 đại đội. Thác C10 tức là thác ở gần đại đội/đội sản xuất số 10.
Ngoài báo chí và mạng xã hội, một số tài liệu chính thống cũng gọi Jrai Glong là thác Ông Đồng như: Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Cơ (1945- 2015) viết “thác Jrai Glong (Thác Dài)” và chú thích: “Người Kinh trong vùng thường gọi thác này là thác Ông Đồng (do gần rẫy của gia đình ông Đồng-một người Bahnar lấy vợ là người Jrai)”.
3. Hoàn toàn hoang sơ, du khách di chuyển xuống chân ngọn thác rất khó. Ảnh N.Q.T
Thác hoang sơ, du khách di chuyển xuống chân ngọn thác rất khó. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Thực ra, theo tiếng Jrai, từ “jrai” có nghĩa là thác, thác nước còn “glong” là cao, trên cao. Do đó, chỉ cần viết Jrai Glong/Thác Cao là đủ.
Cổng thông tin điện tử huyện Đức Cơ hiện có bài viết gọi đây là “thác Ông Đồng”. Tương tự, Quyết định số 1096/QĐ-UBND ngày 9-7-2020 của UBND huyện Đức Cơ ban hành Đề án phát triển du lịch của địa phương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định “Thác Ông Đồng” là 1 trong 4 điểm du lịch trọng tâm của huyện…
Theo chúng tôi, cách gọi “thác Ông Đông/Đồng” chưa phản ánh đúng tên của một thực thể tự nhiên. Jrai Glong có từ khi nào không ai biết chính xác, nhưng chắc chắn nó đã xuất hiện sớm hơn tất cả những cách định danh chưa đúng về nó, sau năm 1975.
Cá nhân người được đặt tên cho thác (ông Khuyên Đông) vì sự tôn trọng các cộng đồng Jrai tại chỗ-nơi có thác nước-và vì lý do tín ngưỡng (Bahnar) đã thẳng thắn từ chối vinh dự này.
Tóm lại, theo chúng tôi, huyện nên sớm trả lại tên vốn có cho ngọn thác là Jrai Glong. Bởi địa danh gắn với văn hóa bản địa truyền thống, chắc chắn có lợi cho phát triển du lịch địa phương. Trước mắt, để du khách có thể ghé thăm nơi này thuận lợi, bảo đảm an toàn và vệ sinh, ngoài việc sớm hoàn thành lối đi, chính quyền nên đặt một số biển báo chỉ đường, biển cảnh báo và thùng rác. Trên tất cả các sản phẩm loại này, cần ghi đúng tên thác là Jrai Glong.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm