(GLO)- Sáng 12-1, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị trực thuộc Sở về một số giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trong năm 2017 ngành nông nghiệp gặp không ít những khó khăn như dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, giá cả một số mặt hàng nông sản giảm mạnh… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nông dân. Song sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn của tỉnh vẫn duy trì phát triển. Theo đó, tốc độ tăng trưởng đạt 99,1% so với kế hoạch và tăng 6,73% so với cùng kỳ góp phần phát triển kinh tế công-xã hội của tỉnh. Công tác trồng rừng đạt được kết quả lớn khi toàn tỉnh trồng được 6.600 ha, dù không đạt 7.000 ha nhưng đây là sự cố gắng lớn của các địa phương và chủ rừng...
Bên cạnh những kết quả đạt được ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế trong công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Công tác sản xuất, cung ứng giống cây trồng chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Công tác trồng còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng dù đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp…
Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị một số vấn đề như cần có cơ chế để Sở chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương về báo cáo nghiên cứu khả thi hỗ trợ đầu tư bảo vệ phát triển rừng Gia Lai giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 38/2015 QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kinh phí cho công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ HTX. Phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng đề án thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Cho chủ trương ngành xây dựng và thực hiện dự án lai cải tạo đàn bò giai đoạn 2018-2022…
Phát triển hoa lan nuôi cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp chưa có những sản phẩm đặc trưng của Gia Lai, phải định hướng cho người dân sản xuất. Trong năm 2018 ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tái cơ cấu ngành định hướng các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, trong đó chọn một thương hiệu cho Gia Lai để nhân rộng làm sao giúp người dân phát triển mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp xác định từng mục tiêu cụ thể cho những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Sắp xếp, tổ chức nếu không tự chủ thì sáp nhập thu gọn đầu mối. Xây dựng các mô hình, chương trình giúp các doanh nghiệp và người dân sản xuất. Xây dựng một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phải định hình thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng tham gia. Đặc biệt, phải đi cơ sở, lội ruộng va chạm với thực tế để định hướng phát triển tạo nguồn lực từ tỉnh đến huyện, xã. Ngành phải tận dụng lợi thế xây dựng đầu mối với các Sở Khoa học và Công nghệ, Công thương xây dựng các chợ đầu mối, thường xuyên các phiên chợ nông sản an toàn và liên kết với các siêu thị, cơ sở tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch nhằm tạo cho người dân thói quen tiêu thụ nông sản sạch. Đánh giá toàn diện năm 2017, những tồn tại, hạn chế, định hướng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp năm 2018. Những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng phải xử lý nghiêm. Rà soát sắp xếp bộ máy cho phù hợp để phát huy nội lực đáp ứng nhu cầu hiện nay. Nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu… Trong năm 2018 ngành nông nghiệp phải có sự thay đổi quyết liệt, có chương trình hành động thiết thực để ngành phát triển hơn nữa xứng đáng là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Nguyễn Diệp