* Miền Trung: Dịch bệnh tăng đột biến
Ngày 23-4, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, hiện nay cả nước dù mới ghi nhận 5 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc dịch tả nhưng nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát lớn trong thời gian tới là rất cao.
Qua điều tra dịch tễ các ổ dịch tả mới đây cho thấy, khuẩn tả không chỉ tồn tại ở trong những thực phẩm nguy cơ cao, không bảo đảm vệ sinh mà còn xuất hiện trong nguồn nước.
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết thêm, không chỉ có trong nguồn nước mà khuẩn tả còn có thể tồn tại trong một số loài phù du, thủy sinh, cua, ếch. Do đó, vi khuẩn có thể lây nhiễm vào thực phẩm hoặc khi vệ sinh cá nhân không đảm bảo.
Từ nhiều ngày qua, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, quai bị, sốt rét… diễn biến phức tạp. Theo Viện Sốt rét- ký sinh trùng- côn trùng Quy Nhơn, 3 tháng đầu năm 2010, bệnh nhân sốt rét tại khu vực miền Trung tăng 46,49% so với cùng kỳ (1.418/968 người). Tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân sốt rét tăng nhiều nhất là Quảng Nam (195,39%), Đak Lak (178,13%)...
Đã có 1 trường hợp tử vong là ông Cao Quang Phạn (44 tuổi, trú tại khu phố 6, thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận) làm nghề khai thác mây rừng. Thời tiết bất thường và sự gia tăng môi trường truyền bệnh ở nhóm dân cư thường xuyên chuyển dịch (những người đi rừng ngủ rẫy, các cộng đồng di cư tự do, các hoạt động giao lưu qua lại dọc biên giới Lào, Campuchia…) làm tăng nguy cơ lây lan.
Tại Quảng Nam, hơn 10 ngày qua, hàng chục học sinh ở các điểm trường huyện Nam Trà My mắc bệnh quai bị, riêng Trường THCS bán trú xã Trà Don có đến 25 em học sinh mắc bệnh. Ngay sát Trường THCS Trà Don, Trường Tiểu học Vừ A Dính cũng có hàng chục học sinh tiểu học bị quai bị.
Tại Đà Nẵng, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp kéo dài từ cuối 2009 đến nay. Trong tháng qua, Đà Nẵng có đến hơn 700 ca sốt xuất huyết, tăng 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo SGGP