(GLO)- Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (ngộ độc thực phẩm do cóc, cá nóc khô) khiến 3 người tử vong. Các vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra vào mùa mưa, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thịt cóc là một trong những loại thực phẩm rất dễ gây ngộ độc và có thể gây tử vong nếu như không được chế biến đúng cách. Dù vậy, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thói quen ăn thịt cóc vẫn còn khá phổ biến.
Ông Siu Blin (làng U Diếp, xã Kông Htok, huyện Chư Sê) cho biết: Không chỉ gia đình ông mà nhiều người trong làng cũng hay ăn loại thịt này. Cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thịt cóc nhưng một số gia đình chưa bỏ được thói quen nên vẫn còn chế biến món ăn từ thịt cóc.
Xã Kông Htok có 1.299 hộ với trên 6.200 khẩu sinh sống tại 6 làng. Hầu hết người dân đều có thói quen ăn thịt cóc và nấm, nhất là vào mùa mưa. Bà Nguyễn Thị Hồng Anh-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kông Htok-cho hay: Công tác truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung, phòng-chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên nói riêng luôn được lồng ghép tuyên truyền đến người dân.
“Nhìn chung, bà con đã có ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy vậy, một số người vẫn còn thói quen ăn thịt cóc”-bà Nguyễn Thị Hồng Anh nói.
Ngộ độc thịt cóc, nấm độc nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Ảnh: Như Nguyện |
Tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh), công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm đến người dân cũng được các cấp, các ngành chú trọng. Bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka-thông tin: Trước đây, xã từng ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc và nấm độc nhưng không có trường hợp tử vong.
“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân không nên sử dụng cóc làm thức ăn và không ăn nếu không biết nấm mình sử dụng có độc hay không. Hình thức tuyên truyền chủ yếu là lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội đồng thời thực hiện tuyên truyền miệng đến từng hộ gia đình. Theo đó, nhận thức của bà con được nâng cao, việc ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc và nấm độc cũng hạn chế đáng kể”-bà H'Ken cho hay.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên thường tăng cao vào mùa mưa nhất là ngộ độc nấm và thịt cóc. Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh), để phòng tránh, đối với nấm khi thu mua nấm hoặc thu hái từ tự nhiên thì cần đến địa chỉ tin cậy, kiểm tra thật kỹ xem có dấu hiệu gì khác lạ, có lẫn nấm độc hay không. Đối với thịt cóc, khi chế biến, người dân tuyệt đối không để da, nội tạng, trứng cóc lẫn vào phần thịt; không ăn trứng và da cóc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì tốt nhất là bà con không nên ăn loại thực phẩm này.
“Ngoài ra, cá nóc cũng rất dễ gây ngộ độc và tử vong cao, vì vậy người dân không buôn bán cá nóc và sản phẩm chế biến từ cá nóc. Khi mua cá khô thì phải biết nhận dạng loại ăn được, không biết thì tốt nhất là không mua và sử dụng; không ăn cá nóc. Khi có dấu hiệu ngộ độc cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời”-bà Trang khuyến cáo.
Nhân viên y tế tuyên truyền người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên. Ảnh: Như Nguyện |
Mới đây, Sở Y tế có Công văn số 1244/SYT-NVY về việc tăng cường triển khai công tác phòng-chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên vào đầu mùa mưa. Theo đó, Sở Y tế đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp và giải pháp phòng-chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (như ngộ độc do nấm độc, ngộ độc thịt cóc) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng-chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên tới gia đình, người dân dưới nhiều hình thức. Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng những loại thực phẩm chứa độc tố tự nhiên. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Đối với các cơ sở điều trị trực thuộc Sở, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, phương tiện, vật tư trang-thiết bị y tế, cơ số thuốc, nhân lực, hóa chất để thực hiện công tác thu dung, kịp thời cấp cứu điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do ngộ độc thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên gây ra.
NHƯ NGUYỆN