Kinh tế

Cánh đồng mía lớn: Cơ hội liên kết làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mô hình cánh đồng mía lớn sẽ giải đáp được bài toán về tính hiệu quả liên kết và đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện Đak Pơ và các địa bàn có thế mạnh về cây mía.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch mía.
Cơ giới hóa khâu thu hoạch mía.

Những năm gần đây, mía đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Đak Pơ. Hiện diện tích mía của huyện đã lên đến 7.576 ha, trong đó diện tích mía lưu gốc là 5.897 ha, mía trồng mới là 1.679 ha.

Cũng như một số địa phương khác, cây mía trên đất Đak Pơ dễ trồng, dễ canh tác nên đa phần các hộ đều sở hữu ruộng mía từ 0,5 ha đến 3 ha, năng suất trồng đại trà dao động ở mức bình quân 50-70 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, chăm sóc thì người trồng thu lãi khoảng 10 triệu đồng/ha. Ở niên vụ 2013-2014, Nhà máy Đường An Khê bắt đầu thực hiện mô hình cánh đồng lớn tại vùng nguyên liệu, đầu tư hỗ trợ người trồng mía phân bùn, hướng dẫn quy trình chăm sóc khoa học, cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nên năng suất mía khi thu hoạch đạt gần 100 tấn/ha, giá thu mua tại ruộng là 900 ngàn đồng/tấn. Năng suất vượt trội, giá mía ổn định, nông dân trồng mía theo mô hình này có thể thu lãi đến 18 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với phương thức canh tác đại trà lâu nay.  

Từ kết quả ban đầu này, niên vụ 2015-2016, huyện Đak Pơ tiếp tục thực hiện cánh đồng mía lớn tại địa bàn thị trấn Đak Pơ, xã Tân An, Cư An, An Thành, Phú An, Ya Hội, diện tích lên đến 164,4 ha với sự tham gia của 94 hộ. Năng suất mía thu được từ cánh đồng lớn đạt 85-100 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 20.934,5 tấn. Đến đầu năm 2016, toàn huyện đã có 295,3 ha mía/358 hộ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, trong đó hầu hết các cánh đồng có diện tích từ 10 ha trở lên.

Bàn về lợi ích của mô hình cánh đồng mía lớn, ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: Cây mía có thể là cây làm giàu cho nông dân khi thực hiện cánh đồng lớn. Khác với trước đây, người trồng mía chỉ “bơm 2 lần cỏ, bỏ 2 lần phân”, tận dụng nước trời thì tham gia sản xuất theo mô hình này, họ được hưởng lợi nhiều mặt khi doanh nghiệp giảm đầu tư qua đại lý, tăng đầu tư trực tiếp cho nông dân, được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các chương trình khuyến nông, được áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, bón phân, chăm sóc, thu hoạch. Bên cạnh đó, nông hộ liên kết được địa phương, Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ chi phí đầu tư, bao tiêu thu hoạch cũng như có chính sách khuyến khích cụ thể cho từng vùng nguyên liệu. Với những lợi ích thiết thực về mặt tài chính cho nông dân, có thể nói chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất-tiêu thụ hàng hóa đã được hình thành dựa trên sự liên kết giữa nhà máy và nông dân. Mặt khác, mô hình này gặp nhiều thuận lợi ở Đak Pơ khi đã có sự quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp từ các xã, thị trấn; sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương.

Theo Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 12-7-2016 của UBND tỉnh về tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn, diện tích tối thiểu đối với cánh đồng mía lớn là 30 ha, phải nằm trong một vùng sản xuất chuyên canh tập trung, không nhất thiết liền thửa. Trong niên vụ 2016-2017, huyện Đak Pơ đã làm việc với Nhà máy Đường An Khê, tiến hành khảo sát, lập phương án xây dựng cánh đồng mía lớn theo Quyết định số 470/QĐ-UBND. Theo đó, huyện tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng mía lớn tại địa bàn xã Tân An với diện tích 60 ha, thị trấn Đak Pơ 32 ha, xã An Thành 42 ha, xã Ya Hội 26,3 ha.

 Sơn Ca


Theo quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo huyện Đak Pơ, cần tập trung xây dựng cánh đồng mía lớn tại vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGap, liên kết nông dân gắn với hợp tác xã, tổ hợp tác. Quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận trong xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức dồn điền đổi thửa, góp phần bằng quyền sử dụng đất.
 

Có thể bạn quan tâm