Thời sự - Bình luận

Cắt tóc, gội đầu còn phải nộp thuế thì không thể để lọt YouTube, Google

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù dịch bệnh COVID-19 hoành hành tại nhiều tỉnh thành, hôm 9.7, Tổng cục Thuế công bố số thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng 14,3% so với cùng kỳ đạt 656 nghìn tỉ đồng, tương đương 58,8% dự toán. Con số này chắc chắn sẽ cao hơn nếu kiểm soát chặt chẽ hơn những dịch vụ kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, YouTube…
 

 Cần thêm những công cụ để thu thuế các nền tảng xuyên biên giới. Ảnh AT
Cần thêm những công cụ để thu thuế các nền tảng xuyên biên giới. Ảnh AT



Tổng cục Thuế đưa ra con số đáng giật mình: chỉ ở TPHCM, qua rà soát 14.951 trang web thì xác định được 1.092 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế. Thế nhưng, chỉ có 56 cá nhân tự giác kê khai.

Hay ở Việt Nam có khoảng 15.000 kênh Youtube bật nút kiếm tiền. Trong số này chỉ có 5.000 kênh, tương đương 30% chịu sự quản lý từ các công ty mạng của Youtube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ. Còn lại vẫn “điềm nhiên” thu tiền mà không phải chịu thuế.

Hai ví dụ trên cho thấy khoản tiền thất thu thuế hàng năm từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng xuyên biên giới là rất lớn, có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Hơn nữa, ở nhiều lĩnh vực còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh mà phần thiệt thòi lại thuộc về những cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Từ 1.8 tới đây, theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính, các dịch vụ như tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi da, Internet, game; dịch vụ may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu nằm trong danh sách chịu 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Đây là mức thuế suất cao đứng thứ 2 trong mục lục tính thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phong tỏa, giãn cách tại các tỉnh thành liên tục được áp dụng, các ngành dịch vụ như cắt tóc, karaoke, may đo, giặt là… bị tổn thương khá lớn nên nhiều chuyên gia từng kiến nghị tạm hoãn Thông tư 40 sang năm 2022.

Thông tư 40 cũng quy định những tổ chức là đối tác tại Việt Nam của các nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì phải khai và nộp thay cho cá nhân trên toàn bộ doanh thu hợp tác kinh doanh. Nhưng điều này chỉ áp dụng khi có thỏa thuận thực hiện chi trả thu nhập cho cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thông qua tổ chức đối tác tại Việt Nam.

Về cơ sở pháp lý, đã có những quy định như Luật quản lý Thuế, Nghị định 126/2020... nhưng vẫn cần những công cụ, phương thức mới để các doanh nghiệp như Facebook, Google thực hiện các quy định về khai, nộp thuế.

Những cánh cổng thanh toán sẽ phải mở rộng. Quan điểm mở rộng cơ sở đánh thuế thay vì tăng thuế suất chính là đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh. Khi cắt tóc, gội đầu cũng phải nộp thuế thì không có lí do gì để lọt những công ty đa quốc gia như Facebook, YouTube, Netflix, Google…

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cat-toc-goi-dau-con-phai-nop-thue-thi-khong-the-de-lot-youtube-google-928935.ldo
 

Theo Linh Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm