Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Châm cứu giúp điều trị rối loạn giấc ngủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, gây trở ngại cho các hoạt động thể chất, tinh thần và cảm xúc. Khi bị mất ngủ, người bệnh nên đi khám để được điều trị, tránh lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần.
 

 
Rối loạn giấc ngủ có thể là mất ngủ, ngủ nhiều hoặc gặp ác mộng, mộng du… khi ngủ - Ảnh: Shutterstock
Rối loạn giấc ngủ có thể là mất ngủ, ngủ nhiều hoặc gặp ác mộng, mộng du… khi ngủ - Ảnh: Shutterstock


Mất ngủ, ác mộng do rối loạn giấc

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược TP.HCM, Trưởng Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD): Rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thường gặp trong y khoa nói chung và tâm thần học nói riêng. Bệnh gồm 2 nhóm chính bao gồm những rối loạn liên quan đến chất lượng, số lượng và thời điểm khác nhau của giấc ngủ (bị mất ngủ, ngủ nhiều) và những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ (gặp ác mộng, mộng du…).

Bệnh nhân N.T.U (41 tuổi, ngụ Long An) bị mất ngủ suốt 3 năm nay với các triệu chứng như khó vào giấc ngủ, một đêm chỉ ngủ được khoảng 3 giờ, có hôm thức trắng, giấc ngủ không sâu, thường xuyên gặp ác mộng và tỉnh giấc liên tục.

Với tình trạng trên, chị U. phải sử dụng thuốc an thần trong một thời gian dài dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ. Lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình, chị U. đã đến khám tại Khoa Y học cổ truyền, BV ĐHYD.

Chị được thăm khám và điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc Đông y và xoa bóp. Sau hai liệu trình kéo dài một tháng, chị đã vào giấc ngủ tốt, ngủ được trung bình 5 giờ/đêm và chỉ còn ác mộng vào cuối giấc. Sau ba tháng điều trị, người bệnh khỏe hoàn toàn, không còn bị mất ngủ, sức khỏe và tinh thần ngày càng tốt hơn.

Tình trạng mất ngủ cũng xảy ra với không ít người trẻ. Anh C.V.P (22 tuổi, ngụ TP.HCM) bị mất ngủ suốt hơn 3 tháng nay, khó vào giấc, chỉ ngủ được 4 giờ/đêm và giấc ngủ không sâu, tỉnh giấc khó ngủ lại, nhiều đêm thức trắng kèm đau đầu vào đầu vào mỗi buổi sáng. Bệnh nhân cũng phải điều trị bằng châm cứu kết hợp thuốc Đông y để cải thiện bệnh trạng.

Bác sĩ Thường cho biết, rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, gây trở ngại cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần cũng như ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh. “Trong đó, bệnh mất ngủ kéo dài dẫn đến mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm năng suất làm việc đồng thời làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý kèm theo như trầm cảm, lo âu, tim mạch, đái tháo đường, béo phì...”, bác sĩ Thường cảnh báo.

Châm cứu trị bệnh

Theo bác sĩ Thường, ở Việt Nam, thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%. Theo một nghiên cứu khảo sát tình trạng mất ngủ trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM, kết quả có khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần.

Tại BV ĐHYD, số lượng người đến khám vì mất ngủ chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Tuy nhiên bệnh mất ngủ còn được phát hiện khi người bệnh đến khám vì các nguyên nhân khác (tỷ lệ khoảng 35-40%).

Hiện nay, bệnh mất ngủ có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như: vệ sinh giấc ngủ (thức giấc cùng một giờ hằng ngày, giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ, không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương...), điều trị bằng thuốc hóa dược, thuốc thảo dược, liệu pháp tâm lý hành vi, thiền định, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh, châm cứu...

“Trong đó, châm cứu là phương pháp an toàn thuộc nhóm điều trị không dùng thuốc, được sử dụng từ rất lâu đời, an toàn, có hiệu quả và tần suất sử dụng nhiều nhất theo thống kê năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh tính hiệu quả cũng như không gây tác dụng phụ của những phương pháp châm cứu trong điều trị bệnh mất ngủ”, bác sĩ Thường đánh giá.

Theo bác sĩ Thường, tùy theo chẩn đoán Y học cổ truyền, có nhiều hình thức châm cứu khác nhau được sử dụng để điều trị mất ngủ. Để đạt hiệu quả điều trị bằng phương pháp châm cứu, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình thăm khám để được chẩn đoán chính xác, tuân thủ phác đồ điều trị, khai báo những thay đổi triệu chứng qua các lần điều trị; không châm cứu khi quá đói, quá no hoặc có các bệnh rối loạn đông cầm máu, viêm loét da, nhiễm trùng.

Bác sĩ Thường khuyến cáo: Mất ngủ là bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, có thể là khởi đầu của một bệnh lý thực tổn. Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ những rối loạn tâm thần như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu; các nguyên nhân thực thể khác như đau cấp và mạn tính (đau khớp, viêm loét dạ dày tá tràng...), lạm dụng thuốc và các chất kích thích… Đôi khi người bệnh mắc chứng mất ngủ mà không có bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào.

“Khi bị mất ngủ, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất, tránh lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần khiến bệnh trầm trọng hơn”, bác sĩ Thường khuyên.

Nguyên Mi (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm