(GLO)- Xuất thân nghèo khó nên họ luôn quý trọng giá trị của cuộc sống. Và họ cũng đã viết nên nhiều câu chuyện đẹp từ những việc làm từ tâm.
Vươn lên từ nghèo khó
Mặc dù nắng như đổ lửa nhưng chị Bùi Thị Lượn (tổ 10, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vẫn tranh thủ làm cho xong đám cỏ ngoài ruộng lúa. Nhìn chị làm và nghe chị nói, chúng tôi đã phần nào tìm ra đáp án cho câu hỏi: Làm thế nào từ 2 bàn tay trắng, sau gần 20 năm định cư trên vùng đất mới, gia đình chị trở thành tỷ phú.
Ngừng tay, lau những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, chị Lượn trải lòng: Chị quê gốc Thái Bình. Ở quê đất chật, người đông, kinh tế khó khăn nên năm 2000 cả gia đình vào Gia Lai lập nghiệp. Những ngày đầu, gia đình chị sống nương nhờ nhà người bạn đồng hương. Không có đất sản xuất, cứ ai thuê gì thì vợ chồng chị làm nấy.
Dành dụm, tích góp gần 1 năm, anh chị cũng mua được mảnh đất, dựng căn nhà tạm rồi bắt tay vào nấu rượu, nuôi gà, nuôi heo để tăng thu nhập. Dần dà, gia đình chị mua thêm được đất trồng lúa, mua máy cày, máy gặt để vừa phục vụ sản xuất, vừa làm dịch vụ.
Những năm gần đây, chồng chị mở rộng địa bàn cày thuê, gặt lúa thuê, một mình chị ở nhà vừa chăm sóc 6 ha lúa nước, vừa nuôi heo (mỗi lứa hơn 100 con), nuôi gà, trồng rau, nấu rượu. “Những năm lúa được mùa, heo gà được giá, thu nhập của gia đình lên đến 700-800 triệu đồng. Cộng với tiền làm thuê của chồng, gia đình tôi tích lũy 1-1,2 tỷ đồng/năm”-chị Lượn nhẩm tính.
Nói về nghị lực vượt khó của chị Lượn, chị Bùi Thị Dung-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 10-cho hay: “Chị Lượn rất chịu khó trong lao động sản xuất nên từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, gia đình chị đã vươn lên làm giàu”.
Bà Nguyễn Thị Từ (bìa trái, thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) hỗ trợ mỗi tháng 10 kg gạo và 200 ngàn đồng tiền mặt cho gia đình chị Phạm Thị Tuyên. Ảnh: Hồng Thương |
Cũng đi lên từ con số không tròn trĩnh, giờ đây, bà Nguyễn Thị Từ (thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã trở thành tấm gương cho nhiều người dân noi theo. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây, bà Từ cho biết: Ngày mới vào Gia Lai lập nghiệp, gia đình bà chỉ có 1 mảnh vườn mua được nhờ mượn tiền của người thân và bạn bè. Ngoài đi làm thuê cho Nông trường Chè Bàu Cạn, vợ chồng bà tranh thủ chăm sóc vườn cà phê.
Nhờ cần cù, chịu khó, sau nhiều năm tích góp, diện tích đất sản xuất của gia đình dần mở rộng. Ngoài 4 ha cà phê và 1.000 trụ hồ tiêu, bà còn trồng 6 sào măng tây. Ngoài ra, bà còn chịu khó nuôi thêm bò và gà để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm, gia đình bà tích lũy 400-500 triệu đồng. “Muốn bền vững với nghề làm nông, ngoài “lấy ngắn nuôi dài” còn phải “lấy công làm lãi”. Có như vậy thì kinh tế gia đình mới nhanh phát triển”-bà Từ chia sẻ kinh nghiệm.
Một trường hợp làm giàu khác khiến chúng tôi không khỏi nể phục là bà Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), chủ trang trại hữu cơ rộng gần 20 ha bao gồm: 5 ha cao su, 5 ha hồ tiêu, 8 ha cà phê, hơn 1 ha cây ăn quả và rau màu các loại. Hơn 30 năm trước, bà chỉ có vỏn vẹn... 1 chỉ vàng làm vốn. Với số vốn ít ỏi, ngoài mua đi bán lại các loại rau, bà Thu chọn công việc phù hợp là nuôi heo.
Nhờ chọn đúng mô hình, lại chăm chỉ học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên đàn heo phát triển khỏe mạnh; cứ bán hết lứa heo này đến lứa heo khác, số vốn cũng tăng dần. Khi kinh tế gia đình đã dần ổn định, bà nghĩ đến việc mua đất mở rộng quy mô sản xuất. Mỗi năm một ít, đến nay, gia đình bà đã sở hữu 1 trang trại rộng gần 20 ha.
Bà Thu khoe: “Tất cả các cây trồng tôi đều canh tác theo hướng hữu cơ. Tuy năng suất không cao nhưng cây trồng phát triển tốt và ổn định được đầu ra cho sản phẩm. Mới đây, tôi đón đoàn công tác của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vào tham quan vườn cây của gia đình. Bình quân mỗi năm gia đình tôi tích lũy hơn 1 tỷ đồng từ trang trại này”.
Hướng về người nghèo
Nhiều năm qua, bà Thu không chỉ tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương mà còn bảo bọc, cưu mang 6 trường hợp, gồm 2 bà mẹ với 4 đứa con. Khi chúng tôi ghé thăm, trong căn nhà sàn giữa trang trại, 2 bà: Nguyễn Thị Chiêm, Nguyễn Thị Hoài (làng Đê Hót, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) và 4 đứa trẻ: Nguyễn Tiến Thắng, Nguyễn Tiến Toàn, Võ Trung Nguyên, Võ Thành Lâm đang chuẩn bị cơm trưa.
Bà Chiêm và bà Hoài làm công cho gia đình bà Thu đã nhiều năm. Biết hoàn cảnh 2 bà khó khăn nên bà Thu coi như người nhà. 4 người con của họ được bà Thu nhận nuôi gần 10 năm nay. Riêng Toàn hiện đã tốt nghiệp THPT và được bà Thu hỗ trợ kinh phí học tiếng Nhật để xuất khẩu lao động.
Cảm kích trước tấm lòng của bà Thu, bà Chiêm (mẹ của Thắng và Toàn) bộc bạch: “Chồng tôi mất sớm, không có đất sản xuất, cuộc sống của 3 mẹ con rất khó khăn. Nhờ có bà Thu nhận nuôi 2 con, tôi đỡ vất vả hơn và các con cũng có điều kiện học tập”. Nói về “người mẹ thứ 2”, Thắng vui vẻ chia sẻ: “Được mẹ Thu cưu mang và tạo điều kiện học tập, năm nào chúng em cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến”.
Bà Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Hồng Thương |
Ngoài nhận nuôi các em nói trên, những thanh-thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn khi tới làm công cho bà Thu đều được bà định hướng nghề nghiệp, hướng dẫn cách thức sản xuất, hỗ trợ cây-con giống, cho mượn đất trồng xen cây ngắn ngày để có thu nhập, thậm chí cho mượn hàng trăm triệu đồng không lấy lãi để mua đất sản xuất, làm nhà. Cho đến lúc “đủ lông đủ cánh”, bà Thu lại khuyên chúng ra riêng để ổn định cuộc sống…
“Của cho không bằng cách cho” là phương châm trong hoạt động từ thiện của bà Từ. Ngoài việc tự bỏ tiền để mua bánh kẹo, nhu yếu phẩm, bà Từ còn tự tay gói cẩn thận những phần quà rồi chở đến trao tận tay những người nghèo khó. Ngoài những phần quà, bà Từ còn tặng thêm mỗi hộ từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng tùy theo hoàn cảnh. Mặc dù mới làm từ thiện 2 năm nay, song số tiền bà dành cho công việc này lên tới hơn 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hàng tháng, bà Từ còn hỗ trợ gia đình chị Phạm Thị Tuyên (thôn Đồng Tâm) 10 kg gạo và 200 ngàn đồng. Chồng chị Tuyên không may bị điện giật nằm liệt một chỗ. Đất đai không có, vừa phải đi làm thuê vừa chăm chồng và 2 con nhỏ nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. “Tháng nào bà Từ cũng hỗ trợ gạo và tiền mua thuốc cho chồng, gia đình tôi cũng vơi bớt phần nào khó khăn. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn gửi đến bà ấy”-chị Tuyên bày tỏ.
Riêng chị Lượn lại dành sự quan tâm cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Trong mỗi chuyến đi, ngoài tự bỏ tiền mua quà tặng, chị còn kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ quần áo, giày dép, sách, vở mới để tặng học sinh nghèo. Cho đến giờ, chị cũng không nhớ chính xác đã tổ chức bao nhiêu chuyến từ thiện, song những nơi chị thường lui tới hơn cả là Mái ấm Giuse (xã Ia Hlốp) và xã Ayun (huyện Chư Sê); cụm dân cư Suối Cạn (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện).
“Có chị Lượn tặng quà, đặc biệt là quần áo mới cho các con vào mỗi dịp Tết, gia đình tôi có thêm niềm vui đón Tết. Chúng tôi cảm ơn chị Lượn nhiều lắm!”-chị Rơ Châm H’Oan (thôn Thắng Lợi 4) chia sẻ.
...Không giống nhau về xuất phát điểm, song những người nông dân này đã tìm được cái đích chung đó là xây dựng được cuộc sống đủ đầy. Mỗi người cũng đều vì cộng đồng, biết quan tâm đến những người nghèo khó. “Mỗi chuyến đi, tôi đều cho các con tham gia để chúng được trải nghiệm và hiểu về giá trị của cuộc sống cũng như hình thành trong chúng tình yêu thương, sẻ chia với người nghèo”-chị Lượn bày tỏ. Còn bà Từ bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn nên tôi thấm thía. Và đó là lý do tôi muốn góp một phần giúp họ vượt qua khó khăn, nhất là đem lại cho họ cảm giác ấm áp vào mỗi dịp Tết đến, xuân về”.
Riêng bà Thu thì đơn giản hơn: “Tự đi trên đôi chân của mình là điều tốt nhưng với người có hoàn cảnh khó khăn chắc chắn sẽ chậm hơn. Vì thế, tôi muốn hỗ trợ một phần sức mình để họ có điều kiện phấn đấu sớm hơn nhằm rút ngắn con đường đi đến thành công. Tôi nghĩ, làm từ thiện không cần đi đâu xa mà ngay chính trong nhà mình. Chỉ cần giúp người nghèo vượt khó, giúp em nhỏ trưởng thành cũng là việc làm nhân văn”.
HỒNG THƯƠNG