Góp ý dự thảo báo cáo chính trị

Hoạt động văn hóa-thông tin tập trung hướng về cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cái đầu đề bài viết này (ở trên) là lấy nguyên văn câu tiêu đề phụ trong Báo cáo chính trị (dự thảo-DTBC) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020). Ở phần này, DTBC nêu: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh...”. Chúng tôi lạm bàn đôi điều về nội dung này.

 Khu rừng quanh nơi Tỉnh ủy Gia Lai làm việc thời kỳ chống Mỹ cứu nước (xã Krong, huyện Kbang) bị tàn phá. Ảnh: Bích Hà
Khu rừng quanh nơi Tỉnh ủy Gia Lai làm việc thời kỳ chống Mỹ cứu nước (xã Krong, huyện Kbang) bị tàn phá. Ảnh: Bích Hà

Theo số liệu thống kê mà DTBC chỉ dẫn, thì cho đến nay toàn tỉnh có 76% hộ gia đình, 55% thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Đây là một con số rất đáng quan tâm, bởi là một tỉnh miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm đến trên 44%, điều kiện về kinh tế-xã hội còn không ít khó khăn, nhưng việc thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa đạt được thành tựu như nói trên thì điều đáng khích lệ, ghi nhận, phát huy.

Nhìn bề nổi, nhiều thôn, làng, tổ dân phố được gắn biển “văn hóa”; bên trong, nhiều nơi đã xây dựng nếp làng văn minh, sạch, đẹp, an toàn. Nhiều hủ tục đã được xóa bỏ, cái hay, điều tốt được duy trì, phát huy, phát triển cùng với việc tiếp thu, nhân rộng cái mới, cái tiến bộ vào đời sống cộng đồng; đói nghèo giảm đáng kể bởi bà con đã biết cách làm ăn có khoa học, theo kỹ thuật; con em chăm chỉ học hành; ốm đau, sinh đẻ biết tìm đến các thầy thuốc ở các cơ sở y tế; an ninh nông thôn đảm bảo. Nhiều gia đình “văn hóa” sống trong hạnh phúc, ấm no, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và địa phương, quy ước, hương ước của cộng đồng.

Những điều nói trên là có thật ở không ít thôn, làng, tổ dân phố, gia đình, dòng họ “văn hóa”. Nhưng, về phía khác, hiện chúng ta cũng rất đau lòng khi hàng ngày trên các phương tiện truyền thông phản ánh không ít cái xấu, cái ác, làm bất an dư luận và đời sống xã hội. Đó là nạn trộm cướp, giết người, hiếp dâm; an ninh nông thôn bất ổn. Tai nạn, tệ nạn xã hội phát triển; tình trạng vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông có chiều hướng tăng. Vệ sinh môi trường không đảm bảo. Ở đâu đó có dấu hiệu cái xấu, cái lạc hậu như mê tín dị đoan phục hồi, phát triển. Đời sống vật chất của không ít gia đình chưa được cải thiện nhiều. Những điều vừa nói xảy ra cả trong những nơi được coi là “làng (thôn, khu phố, gia đình) văn hóa”. Đó là vấn đề hết sức đáng quan tâm, lo ngại.

Trong DTBC chính trị, phần đánh giá tổng quát nói về tồn tại, khuyết điểm trên lĩnh vực văn hóa không thấy đề cập. Nên chăng việc này ngành chức năng cần tham mưu cho cấp ủy có sự nhìn nhận khách quan, nói đúng sự thật, tìm ra nguyên nhân đâu là khách quan, đâu là chủ quan để rồi nhiệm kỳ tiếp theo các cấp ủy có những giải pháp cụ thể phát huy mặt làm được, khắc phục những tồn tại, yếu kém, chống bệnh thành tích, nói nhiều, thống kê nhiều mà làm ít, hoặc làm lấy lệ, qua loa đại khái.

Trong phần nhiệm vụ và giải pháp, trên lĩnh vực văn hóa, DTBC nêu: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nâng cao ý thức (lại nâng cao) tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của con người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Đẩy mạnh phòng-chống tệ nạn xã hội, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội”. Chúng ta hy vọng những điều nêu trong DTBC sẽ được Đại hội XV thảo luận, phân tích, bổ sung và thông qua để rồi nó sẽ trở thành hiện thực trong thời gian đến. Đặc biệt là mối quan hệ giữa xây và chống-xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với chống sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Văn hóa là nền tảng xã hội, việc xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư và từng gia đình là việc làm của một bộ phận quan trọng trong “văn hóa”, nó góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, và các văn kiện của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm