TN - Đất & Người

Nguyễn Hữu Nam-thầy thuốc có đôi tay điệu nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm đó là một ngày đầu xuân, mùa xuân đầu tiên sau khi Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Dù không phải làm nhiệm vụ giao liên nhưng tôi được anh Lê Thanh Hiển-Chánh Văn phòng cơ quan K8 giao nhiệm vụ đem công văn ra cho đội công tác vũ trang ở thị trấn An Khê vì không còn một nhân viên giao liên nào ở nhà. Đã lâu, tôi không đi trên tuyến đường này từ phía sau ra phía trước nên loanh quanh mãi trong rừng mà chưa tìm được lối đi. Cuối cùng, tôi quyết định xuyên rừng, chừng nửa giờ đồng hồ sau thì gặp nạn. Một mũi mang cung bẫy thú của bà con dân tộc thiểu số bất chợt phóng tới, xuyên qua đùi phải của tôi... Khi mọi người tìm ra tôi theo những tiếng súng báo hiệu gặp nạn của tôi thì trời đã về chiều.
Cũng cần thông tin thêm: Theo Hiệp định Paris, về nguyên tắc thì hòa bình đã lập lại, tiếng súng trên chiến trường miền Nam đã không còn. Thế nhưng bản chất của kẻ thù là hiếu chiến, chúng rêu rao rằng: Cộng sản vi phạm Hiệp định. Trong khi đó, chúng liên tục gây hấn, ồ ạt bắt lính, đôn quân, tung biệt kích, thám báo, quân địa phương càn quét, lấn chiếm ra vùng giải phóng, thực hiện thủ đoạn “dành đất, cắm cờ” (theo sự giám sát của Liên hiệp bốn bên, ở đâu có cờ của bên nào thì đất và dân thuộc về bên ấy). Chúng tung quân ra vùng căn cứ của ta như K7, K2 và vùng tranh chấp ven đô thị An Khê, vùng giáp ranh “da hổ, da beo” để đánh phá, cắm cờ ba que. Vì thế, K8 (An Khê) vẫn là vùng chiến sự thường xuyên xảy ra ác liệt, như chưa hề có hòa bình theo Hiệp định Paris. Việc thông tin, liên lạc về chỉ đạo của cấp trên xuống và báo cáo, thỉnh thị từ cấp dưới lên ở vùng này vẫn diễn ra, mang tính cấp bách và thường xuyên. Trên chục anh chị em giao liên của K8 không thể đáp ứng hết nhiệm vụ, vậy nên chuyện tôi được lấp vào chỗ trống ấy cũng là chuyện bình thường.
Trước đó, dù tự mình sơ cứu vết thương, ga rô cầm máu cẩn thận, nhưng khi được mọi người đưa về đến chỗ ở thì tôi đã lịm đi. Rất may cho tôi, khi ấy anh Nguyễn Hữu Nam đang có mặt ở cơ quan. Anh Nam là một trong những thầy thuốc rất giỏi chuyên môn, dù khi đó anh chỉ là y sĩ chuyên khoa ngoại-chấn thương. Mũi mang cung ác nghiệt nói trên đã xuyên thẳng vào đùi phải của tôi. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, đó là nó đã “tránh” tất cả các mạch máu, dây thần kinh, chỉ xuyên phần mềm. Y sĩ Nguyễn Hữu Nam đã không đồng ý chuyển tôi lên trạm xá tuyến trên mà bảo đảm sẽ chữa khỏi vết thương trong thời gian ngắn nhất. Nhiều người tỏ ra lo lắng về quyết định của anh. Cô Sương, một trong những cán bộ của cơ quan “cảnh báo” trong nước mắt: “Thằng bé còn trẻ, phía trước còn dài, nếu có điều không may, mất đi một chân của cháu ấy thì tội nghiệp, tương lai sau này...”. Riêng tôi thì tin ở y sĩ Nam, một “tay dao” điệu nghệ cứu sống hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đang thập tử nhất sinh trong điều kiện y tế thiếu thốn đủ bề.
v

Minh họa: KIM HƯƠNG

Cho tới sau này, đôi khi gặp lại nhau, đồng đội vẫn lấy chuyện anh Nam chữa vết thương cho tôi kể ra như là một câu chuyện... hài. Trong cơ quan khi đó còn có các y tá, nhưng chuyện kiểm tra, rửa vết thương và tiêm thuốc cho tôi hàng ngày, anh Nam đều tự tay làm. Một lần, anh bảo tôi cố chịu đau. Tưởng gì, thì ra anh dùng băng quấn vào cây thông nòng súng K54 và cứ thế dùi thông vào vết thương đang mưng mủ của tôi như người ta... thông nòng súng.
Có một lần, Bí thư K8 Hồ Ngọc Năm nổi giận với y sĩ Nam. Đó là một ca mà theo chú Năm là khá nhẹ nhưng anh Nam nhất quyết không can thiệp và yêu cầu chuyển tuyến trên. Thường ngày, anh Nam vốn ít nói, không bao giờ bộc lộ “cái tôi”, trừ khi quyết định về chuyên môn. Thế nhưng hôm ấy, anh thật sự “cương” lại với thủ trưởng và bỏ ngay về lán của mình.
Chỉ có tôi là hiểu rõ lý do. Trước đó, anh tâm sự rằng, có những chuyện rất tế nhị trong cuộc sống thời chiến mà không phải khi nào cũng được công khai đem ra phê bình, kiểm điểm, kỷ luật nhau. Đã có mấy trường hợp anh Nam biết người “thương binh” mà mình đang chữa trị không phải là... thương binh. “Với con mắt người có nghề, khó gì mà không nhận ra sự khác nhau của vết thương và vết tự thương”-anh bảo thế. Có lẽ cho tới khi ấy, cũng chỉ mình tôi là người được anh chia sẻ điều “tế nhị” đó. Giữa ranh giới mong manh của cái chết và sự sống bấy giờ, bao kẻ đã rời hàng ngũ đi chiêu hồi-đầu hàng giặc, phản bội cách mạng, khai báo, chỉ điểm, gây thiệt hại cho phong trào cả cơ sở của ta ở trong lòng địch và ngoài hậu cứ. Cho nên có những người không phản cách mạng, không đầu hàng giặc mà chọn cách tự thương để bảo toàn tính mạng.
Sau khi nghe tôi báo cáo lại lý do, dù đã rất khuya, Bí thư Hồ Ngọc Năm bảo tôi báo cho chị nuôi nấu một nồi cháo gà. Lấy làm lạ nhưng tôi vẫn chấp hành. Không lâu sau, nồi cháo nóng hôi hổi, thơm lừng được chị nuôi đem tới lán trại của chú Năm. “Cháu xuống mời Hai Nam lên đây...”-ông bảo tôi.
Quả như y sĩ Nam đã khẳng định, chỉ chưa đầy tháng sau, vết thương của tôi đã lành, có thể trở lại công việc như bình thường. Anh là một trong những thầy thuốc tận tâm mà tôi biết trong thời kháng chiến chống Mỹ, có thể nói không ngoa là hơn cả “mẹ hiền”. Sau ngày giải phóng, anh lại trở về giảng đường đại học để rồi lại trở thành một bác sĩ giỏi trong nghề, tiếp tục sự nghiệp “lương y như từ mẫu” và trải qua các chức danh lãnh đạo, quản lý ngành của tỉnh Gia Lai. Trước đó, anh là một học sinh miền Nam trên đất Bắc. Xong cấp III, anh muốn nhanh được về lại quê hương tham gia chiến đấu nên tình nguyện vào học một khóa đào tạo y sĩ, vừa tốt nghiệp thì liền xung phong lên đường về Nam, cụ thể là An Khê khi tuổi đời chưa tròn 21. Lúc đó là đầu năm 1966. Chuyên môn của anh ngày được giỏi thêm nhờ những lần tham gia chữa trị cho thương binh cùng các thầy thuốc ở những bệnh viện tuyến trên, nhất là trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Có thời điểm, anh đã cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Quân y 211 mổ hàng trăm ca thương binh mỗi ngày đêm. Anh kể, có những hôm trong hầm trú ẩn hay trong hang đá, dưới những đợt bom pháo ác liệt của Mỹ ngụy, chỉ với những chiếc đèn dầu, đèn cầy tù mù, thế mà cả ngày lẫn đêm anh đã cùng các thầy thuốc khác cứu sống hàng trăm đồng đội. Đồng nghiệp bảo anh là “tay dao điệu nghệ” là vì thế!
Hôm 23-3-2020, kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng An Khê, bởi không thể tập trung đông người nên chỉ mấy anh chị em vốn là những người từng chiến đấu, công tác ở An Khê thời chiến tranh đang sinh sống trên địa bàn thị xã cùng ngồi lại, ôn cố tri tân. Khi có người nói chuyện nghề, anh Nam không chút do dự mà rằng, nếu tình hình dịch bệnh ngày càng thêm nghiêm trọng mà ngành Y cần thì anh sẽ lại tình nguyện đi phục vụ đồng bào!
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm