Kinh tế

Làm gì để phát huy hiệu quả kinh tế trang trại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 2-2-2000, Chính phủ có Quyết định số 03/2000/QĐ-CP về phát triển kinh tế trang trại.  Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển rất nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Trên nền tảng kinh tế tự chủ của hộ nông dân đã hình thành các trang trại được đầu tư quy mô lớn lao động với trình độ công nghệ và quản lý cao hơn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có hơn 2.208 trang trại kinh tế, trong đó có 2.020 trang trại trồng trọt, 81 trang trại chăn nuôi, 16 trang trại nuôi trồng thủy sản, 59 trang trại kinh doanh tổng hợp. Tỷ lệ trang trại do nông dân làm chủ chiếm 81,6%. Nhìn chung kinh tế trang trại (KTTT) và kinh tế hộ có thu nhập khá ổn định năm sau cao hơn năm trước.

 

Tận dụng đất trống, hoang hóa mở rộng trang trại trồng cây lâu năm rất hiệu quả.                                                                                            Ảnh: A.K
Tận dụng đất trống, hoang hóa mở rộng trang trại trồng cây lâu năm rất hiệu quả. Ảnh: A.K

Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nhờ mô hình KTTT, nỗ lực vượt khó đã vươn lên thoát nghèo, trở nên giàu có, giải quyết việc làm cho vài chục lao động ở nông thôn, góp phần lớn vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Ông Lê Đình Thống- phường An Bình, thị xã An Khê-chủ một trang trại cá giống cho biết: Khoảng 10 năm trước, kinh tế gia đình rất khó khăn. Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi bắt đầu tìm hiểu về mô hình KTTT. Nhờ tham gia các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông thị xã An Khê tổ chức và học hỏi các anh em làm trang trại đi trước, tôi bắt tay làm kinh tế trang trại.

Sau hơn 3 năm, gia đình đã có của ăn của để và có được cơ ngơi như hôm nay. Hiện ông Thống là chủ trang trại nuôi cá giống lớn ở An Khê, sản xuất và cung cấp cá giống cho các trang trại và hộ nuôi cá trên địa bàn các huyện phía Đông của tỉnh. Ngoài ươm cá giống, trang trại còn nuôi heo và trồng mía. Lợi nhuận hàng năm lên đến vài trăm triệu đồng.

Nhờ nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường nên hầu hết các chủ trang trại luôn kinh doanh đạt lợi nhuận cao. Trên nền tảng kinh tế tự chủ của hộ nông dân đã hình thành các trang trại được đầu tư vốn, lao động, công nghệ và trình độ quản lý cao hơn. Mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa nâng cao năng suất và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Hiện nay, các trang trại trồng tiêu, cà phê mang lại hiệu quả kinh tế rất cao đã tạo ra những tỷ phú nông dân.

Xác định vai trò quan trọng của KTTT, những năm gần đây, tỉnh đầu tư kinh phí hình thành những vùng KTTT tập trung như: cây hồ tiêu ở Chư Sê, mía ở An Khê, Kbang, Ayun Pa, chăn nuôi bò ở Krông Pa. Việc xây dựng trang trại gắn với xây dựng các nhà máy chế biến.

Theo ý kiến của một số chủ trang trại, để KTTT thật sự  trở thành thế mạnh của địa phương rất cần có cơ chế thông thoáng hơn. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định số 03/NĐ-CP về phát triển KTTT nhưng ở Gia Lai do nhiều yếu tố tác động, việc triển khai còn quá chậm. Đến nay, khoảng 60% số trang trại vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất, khiến nhiều chủ trang trại gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, thiệt thòi trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như vay vốn, miễn giảm thuế, tiêu thụ sản phẩm...

Ông KPă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Những bất cập, hạn chế trên, Sở cũng đã có kiến nghị lên UBND tỉnh để tháo gỡ. Trước mắt, tập trung thực hiện Quyết định số 03 của Chính phủ gắn với việc thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất thông qua hợp đồng trách nhiệm với các doanh nghiệp nhà nước, thông qua mối liên kết bốn nhà. Nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất yên tâm về đầu ra cho các sản phẩm.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm