Kinh tế

Thương hiệu Gia Lai ở Bến xe miền Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, ngành Giao thông của tỉnh ta gặp vô vàn khó khăn. Khi ấy, lưu lượng khách đi lại còn rất ít, giao thông cách trở. Đặc biệt, tuyến vận tải vào miền Nam phụ thuộc vào xe khách liên tỉnh miền Đông (Sài Gòn). Năm 1986 thị trường mở cửa, cho phép các doanh nghiệp vận tải được khai thác tuyến Sài Gòn nhưng một điều bất cập là phải có xe chạy đối lưu. Tức là các doanh nghiệp muốn khai thác tuyến phải có sự thống nhất của các doanh nghiệp khác và với bến xe hai đầu để có phương tiện chạy chiều ngược lại. Đó là một hạn chế cho ngành Giao thông-Vận tải lúc bấy giờ. Năm 2003, Pleiku chỉ có trên 10 xe ghế ngồi thuộc Hợp tác xã Diên Hồng và Hợp tác xã Dịch vụ Pleiku vận chuyển hàng hóa và hành khách. Cung cách phục vụ và chất lượng xe lúc này hơn hẳn các xe miền Đông, tạo được lòng tin nơi khách hàng. Người dân chọn đi xe của địa phương, xe miền Đông mờ nhạt dần là vì thế.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Đến năm 2005, Bộ Giao thông-Vận tải ban hành Quyết định số 09/2005-QĐ BGTVT (ngày 10-1-2005) cho phép các doanh nghiệp tự đăng ký khai thác tuyến, tự chọn tài nốt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phương tiện, tham gia khai thác kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Lúc bấy giờ, Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Việt Hưng, Doanh nghiệp tư nhân Trường Thành là những cái tên được biết đến đầu tiên. Mỗi ngày chỉ xuất bến 1 chiếc loại ghế ngồi 45 chỗ, xe Hồng Hải cùng các thương hiệu khác đã chiếm được cảm tình của người dân qua cung cách phục vụ cũng như chất lượng phương tiện, tạo được lòng tin nơi khách hàng đối với các hãng xe nói riêng và thương hiệu xe Gia Lai nói chung.

Năm 2007, hầu hết xe mang biển số 53 của Bến xe Miền Đông không còn nữa. Ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải, nhớ lại: “Khi ô tô Trường Hải bắt đầu lắp ráp xe giường nằm, tôi đã mạnh dạn đầu tư 2 chiếc với giá 2,3 tỷ đồng/chiếc. Qua một thời gian kinh doanh, thấy được hiệu quả, tôi tiếp tục đầu tư vào loại xe giường nằm bởi ai cũng chuộng cái mới”. Mỗi ngày, số lượng khách đi Sài Gòn chỉ tính riêng hãng xe Hồng Hải đã trên 100 người (3 xe giường nằm và 1 xe ghế ngồi). Từ năm 2010 trở đi, khi khách hàng đã quen với chất lượng của phương tiện giường nằm thì các thương hiệu như ngày nay cũng đã cùng khai thác ổn định.

Đến nay, Gia Lai có 9 hãng kinh doanh vận tải đăng ký khai thác tuyến Gia Lai-Sài Gòn tại Bến xe Đức Long với tổng phương tiện 34 chiếc, chủ yếu xe trên 24 chỗ ngồi. Mỗi ngày có 24 xe xuất bến đi Bến xe Miền Đông (TP. Hồ Chí Minh), lưu lượng hành khách đạt trên 23.000 người/tháng. Tại Bến xe Miền Đông, các thương hiệu xe Gia Lai chất lượng cao được đặt tại các quầy vé 13, 24, 27, 41, 45, 80, 87 luôn trong tình trạng kín người mua vé vào các dịp lễ, Tết. Thuận Tiến, Hồng Hải, Bảy Lang, Việt Tân Phát… là những cái tên quá quen thuộc đối với người dân Gia Lai tại Sài Gòn. Nhắc đến xe chất lượng cao tuyến Gia Lai-Sài Gòn không chỉ nói đến chất lượng của phương tiện mà còn ở cung cách phục vụ chuyên nghiệp và chu đáo. Theo tiêu chuẩn của ngành đã đăng ký với cơ quan quản lý, mỗi hãng xe chọn một màu sắc riêng biệt đồng bộ với trang phục của nhân viên, để khách hàng dễ dàng phân biệt và lựa chọn thương hiệu mà mình muốn sử dụng dịch vụ.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai, cho biết: “Tỉnh ta có 32 tuyến liên tỉnh, liên huyện và 2 tuyến quốc tế (Lào, Campuchia) xuất bến Đức Long thường ngày. Vào các dịp lễ, Tết, vận tải hành khách của tỉnh Gia Lai có khi tăng đến 100% phương tiện nhưng đơn vị chức năng vẫn đảm bảo đủ phương tiện, chất lượng để phục vụ người dân”.

Theo sự phát triển của xã hội, hoạt động vận tải hành khách của tỉnh ta đã ngày càng nâng cao cả về “chất” và “lượng”, xứng đáng là thương hiệu tiên phong trong suốt thời gian qua. Gia Lai không có đường thủy và đường sắt, đường hàng không thì hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là tuyến miền Nam, vì vậy, xe khách đã đảm nhiệm việc vận chuyển hành khách các tỉnh Tây Nguyên vào miền Nam học tập, lao động và sinh sống.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm