Kinh tế

Tài chính

BIDV Phố Núi: Duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 15-5-2015, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB)-Chi nhánh Gia Lai ký kết biên bản bàn giao sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)-Chi nhánh Gia Lai.

Ảnh: Thất Sơn
Ảnh: Thất Sơn

Quá trình sáp nhập bàn giao MHB vào BIDV thực hiện trong 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV. Báo cáo tại lễ ký, quá trình thực hiện đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương. Các bên liên quan đã tiến hành kiểm kê, đối chiếu số liệu, báo cáo tình hình của MHB Gia Lai theo sự chỉ đạo, quy trình và nguyên tắc, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của MHB, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của MHB và các khách hàng. Công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập hoàn thành đúng kế hoạch, lộ trình đề ra, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ nghiêm túc theo Thông tư 04/2014/TT-NHNN ngày 11-2-2010 của Ngân hàng Nhà nước và các quy định hiện hành. Và theo quy định, đến hết ngày 22-5-2015, thương hiệu MHB chính thức chấm dứt hoạt động. 2 ngày sau đó (23 và 24-5-2015), BIDV đã chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Từ ngày 25-5, toàn bộ các chi nhánh MHB trước đây sẽ hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV và tại Gia Lai Chi nhánh BIDV Phố Núi, theo mô hình mẫu của BIDV-đã ra đời. Như vậy sau sự kiện này, trên địa bàn Gia Lai có 18 chi nhánh ngân hàng thương mại, 6 Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và Ngân hàng Phát triển tỉnh, cùng với 111 đầu mối giao dịch, tổng nguồn vốn huy động đạt 23.496 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 46.903 tỷ đồng (số liệu tính đến cuối tháng 5-2015).

Theo ông Trần Văn Chương-Giám đốc BIDV Phố Núi, sau quá trình sáp nhập bàn giao, thành lập và khai trương, chi nhánh mới đã nhanh chóng tiếp cận nhiệm vụ, duy trì hoạt động, tập trung kinh doanh, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, tiếp tục hoàn thiện quá trình chuyển đổi. Điều quan trọng nhất là chi nhánh duy trì sự ổn định để chuyển dần sang quy trình mới (chủ yếu là quy trình cấp tín dụng cho khách hàng và quy trình quản lý nội bộ). Việc chuyển đổi ngân hàng lõi MHB sang BIDV thuộc về công nghệ theo hướng hiện đại, tiên tiến, nhanh chóng, bao quát tất cả các mặt nghiệp vụ và dự kiến sau 4 tháng sẽ hoàn tất. Ngoài hội sở chi nhánh (tại 242 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku), mạng lưới hoạt động của BIDV Phố Núi còn có 4 phòng giao dịch (Ayun Pa, Chư Sê, Đức Cơ và Hùng Vương, TP. Pleiku), với đội ngũ 75 cán bộ, nhân viên. Đến thời điểm này, nguồn vốn huy động của BIDV Phố Núi đạt 400 tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 900 tỷ đồng, nợ xấu đều được khống chế ở mức cho phép.

 

Sau sáp nhập, tổng tài sản BIDV tăng lên 700 ngàn tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên trên 34 ngàn tỷ đồng, mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1 ngàn điểm mạng lưới trên toàn quốc với tổng số lao động gần 24 ngàn cán bộ, nhân viên. BIDV là định chế tài chính hàng đầu và giao dịch sáp nhập MHB vào BIDV là giao dịch sáp nhập tiên phong của đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn II năm 2015.

Ghi nhận của chúng tôi về hoạt động của BIDV Phố Núi là không khí phấn khởi tin tưởng với nhiều quyết tâm. “Đối với những người từng công tác tại MHB Gia Lai, sự kiện sáp nhập này tạo nhiều cơ hội cho cán bộ, nhân viên chi nhánh. Với tư cách BIDV là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, thương hiệu BIDV Phố núi trên thực tế đã được tiếp thêm sức mạnh về nhiều mặt. Đặc biệt đó là việc triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ hiện đại, nền quản trị tiên tiến, vận hành nhanh chóng, tiện lợi… Tuy nhiên bên cạnh mặt thuận lợi, chúng tôi cũng đối mặt với những áp lực nhất định như tiếp cận quy trình mới, công nghệ mới, thực hiện chỉ tiêu, đổi mới phong cách làm việc…”-ông Đặng Văn Lam-Trưởng phòng Giao dịch khách hàng bộc bạch.

Dưới giác độ lãnh đạo, ông Trảo A Quý-Phó Giám đốc BIDV Phố Núi cho biết: “Cả lực lượng được điều động từ Chi nhánh BIDV Gia Lai và BIDV Nam Gia Lai sang và lực lượng tại chỗ (của MHB Gia Lai) đều thể hiện sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực vì tương lai phát triển của chi nhánh mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, giữ vững và nâng cao thương hiệu, tập trung thực hiện chiến lược mở rộng thị trường, tăng cường quảng bá sản phẩm dịch vụ mà BIDV có lợi thế, phát triển dịch vụ bán buôn, bán lẻ. Chú trọng phát triển toàn diện các sản phẩm, dịch vụ; khai thác khách hàng lớn, các dự án khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, vùng trú đóng; đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng ổn định, an toàn, bền vững”.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm