Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thảo Nam Giang "Hồn nhạc" Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhạc sĩ Thảo Nam Giang luôn có sự kết hợp tinh tế, nhuần nhuyễn giữa âm nhạc dân tộc với âm nhạc đương đại để mang đến chất riêng trong mỗi sáng tác về Tây Nguyên. Cuối năm 2019, nhạc sĩ đa tài này xuất sắc giành giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực phía Nam với tác phẩm “Tượng mồ”-một sáng tác thể hiện rất rõ “hồn nhạc” anh: mạnh mẽ, nồng nàn, giàu cảm xúc.
Mới đây, nhạc sĩ cho ra mắt 2 sáng tác mới, trong đó có sáng tác về Phố núi trong những ngày tháng 4, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. So với những sáng tác trước đây ghi dấu tên tuổi Thảo Nam Giang như “Rừng ơi, Giàng ơi” (phổ thơ Kpă Y Lăng), “Hồn cồng”, “Tượng mồ”… thì những sáng tác mới này là sự cảm nhận khác mà anh dành cho mảnh đất cao nguyên. Vẫn là tình yêu với nơi ta ở, vẫn là sự háo hức của một đứa con từng ngày khám phá thêm những điều mới lạ trên chính đất mẹ, nhưng cảm xúc lắng lại với tình cảm da diết hơn. Nhạc sĩ chia sẻ: “Quá trình đổi mới đang diễn ra từng ngày trên quê hương thân yêu sau 45 năm giải phóng. Hình ảnh của ngày hôm qua, đến hôm nay có thể đã không còn nữa. Nhưng dù thay da đổi thịt thế nào, tình yêu mà mỗi người dành cho nơi ta ở vẫn sẽ luôn như vậy, không thay đổi. Có khác là đứng trước cái cũ, cái mới, trong lòng có những rung động khác nhau và tôi muốn ghi lại những đổi thay đó bằng âm nhạc”.
Nhạc sĩ Thảo Nam Giang. Ảnh: M.C
Nhạc sĩ Thảo Nam Giang. Ảnh: M.C
Đó cũng là lý do thôi thúc anh viết ca khúc “Pleiku và tôi” ngay trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội. Nhạc sĩ nhớ da diết phố nhỏ Pleiku dù vẫn đang ở trong lòng phố. Chỉ vài ngày không “gặp”, không chạy xe trên những con đường quen, nỗi nhớ đã đong đầy, hữu hình như nhớ một người thân yêu với tất cả dáng hình, thuộc tính. Nhạc sĩ Thảo Nam Giang chia sẻ, thời gian vừa qua giống như một phép thử cho tình yêu. Khi hoàn cảnh buộc con người phải cách xa thì yêu thương lên tiếng như một lẽ tất yếu. Giữa những ngày như vậy, nhạc sĩ vẫn “nhìn” thấy Phố núi theo cách riêng: “Ngừng trôi dòng thời gian/Lặng nghe hạt sương đêm/Phố núi nhỏ nghiêng mình theo cơn gió…”. Pleiku hiện lên trong nỗi nhớ ấy với những gì thân quen nhất, là hàng cây nghiêng theo từng con dốc nhỏ, bóng núi phía xa mờ, thành phố khi đêm về trầm lặng dưới những giọt sương, những hàng thông, Biển Hồ xanh thắm. Trên hết, trong nỗi nhớ của nhạc sĩ là “Phố núi sống tình người thân thương”, dẫu ai đi xa cũng thương nhớ, tìm về.
Với “Tình yêu Kon Chư Răng”, nhạc sĩ Thảo Nam Giang lại mang đến những cảm xúc mạnh mẽ dành cho mẹ thiên nhiên. Nhạc sĩ chia sẻ, cuối năm 2019, anh cùng một số nghệ sĩ có dịp đi sâu vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang), chiêm ngưỡng vẻ đẹp thác 50 sâu giữa rừng già. Trong những ngày sống chậm, anh chiêm nghiệm bao điều về lẽ sống, về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên gắn bó, hài hòa. Chính mối quan hệ ấy đã tạo ra vẻ đẹp văn hóa rực rỡ cho vùng đất này. Nhạc sĩ cho hay: “Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng. Rừng là lá chắn bảo vệ cho làng, là lá phổi xanh ngăn ngừa thiên tai, lũ lụt; có rừng là có cuộc sống ấm no. Từ bao đời nay, rừng còn gắn với đời sống tâm linh sâu thẳm người Tây Nguyên. Tôi sinh ra và lớn lên trên cao nguyên nên tình yêu với rừng càng sâu đậm. Tôi tin trong mỗi chúng ta đều thường trực tình yêu dành cho thiên nhiên như vậy. Vì thế, hãy bảo vệ rừng như một cách trả ơn tạo hóa”.
Thảo Nam Giang tại Liên hoan âm nhạc toàn quốc. Ảnh: M.C
Thảo Nam Giang tại Liên hoan âm nhạc toàn quốc. Ảnh: M.C
Từ những cảm xúc tự nhiên như vậy, ca khúc “Tình yêu Kon Chư Răng” như lời mời gọi mọi người hãy quay về với thiên nhiên, sống chậm lại, cảm nhận nhiều hơn những gì thiên nhiên ban tặng. Ca khúc được thể hiện qua giọng hát của bộ ba ca sĩ Phi Ưng, Rcom Kut, Đinh Thiên. Những giọng ca của núi rừng ấy càng chắp cánh cho giai điệu khỏe khoắn nhưng cũng nồng ấm như một lời mời: “Về bên em nghe rừng chiều gió thổi/Nối vòng xoang lễ hội bên mái nhà rông…”. Thảo Nam Giang chia sẻ, khi viết về vùng đất cao nguyên, ở bất kỳ mảng đề tài nào anh cũng luôn cố gắng khai thác chất liệu của âm nhạc dân gian Tây Nguyên để sáng tác gần gũi với người nghe hơn. Đó là mạch nguồn để âm nhạc của anh chạm đến tâm hồn, trái tim người nghe bởi sự đồng điệu, dễ gặp những yêu thương như cách tác giả cảm nhận về cuộc đời này. 
Nhạc sĩ Thảo Nam Giang hiện công tác tại Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), đồng thời là một trong những cây sáng tác âm nhạc khỏe khoắn tại Gia Lai. Anh có 2 người cha đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được ví như đại thụ của nghệ thuật đương đại Tây Nguyên, đó là cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm (cha nuôi) và cố Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang (cha đẻ). Được thụ hưởng sự giáo dục và ảnh hưởng sâu sắc cốt cách, tâm hồn của 2 người cha nghệ sĩ, anh luôn cố gắng là thế hệ bước tiếp xứng đáng. Đến nay, anh có trên 25 ca khúc mang đậm dấu ấn của một “người Tây Nguyên” sáng tác về Tây Nguyên. Anh còn ghi dấu ấn sâu đậm ở mảng nhạc múa với nhiều thành công trên các sân khấu chuyên nghiệp, góp phần đưa âm nhạc Tây Nguyên lan xa, khẳng định sức sống riêng trong dòng chảy âm nhạc cả nước. 
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm