Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tôn vinh người làm báo tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu. Đây là món quà khích lệ, động viên tinh thần những người làm báo trong cả nước tiếp tục nỗ lực, sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng.

 

Ý nghĩa một sự kiện

Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu diễn ra vào chiều 12 và sáng 13-6 tại Hà Nội. 187 đại biểu đại diện cho hơn 40.000 người làm báo trong cả nước vinh dự được gặp mặt và trò chuyện cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành. Tại hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi kinh nghiệm, về niềm hạnh phúc cũng như những vất vả, thử thách trong nghề.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ nhà báo tham dự hội nghị. Ảnh: P.L
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ nhà báo tham dự hội nghị. Ảnh: P.L



Nhà báo Phan Ý Linh-biên tập viên Trung tâm Sản xuất các chương trình giáo dục (Đài Truyền hình Việt Nam) xúc động kể lại ngày tháng rong ruổi, dấn thân để có những thước phim sống động, chất lượng. Chị Linh tâm sự: “Tôi bắt đầu công việc ở Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2016. Nhờ có đội ngũ cộng sự tâm huyết, năng lực nên trong 4 năm, tôi may mắn cùng với ê kíp gặt hái được một số giải thưởng trong và ngoài nước. Bộ phim tài liệu “Không lùi bước” nói về đường đến trường của học sinh Việt Nam đã đoạt một số giải thưởng quốc tế và được Đài Truyền hình NHK World (Nhật Bản) mua để phát sóng là một thành công như vậy. Bộ phim “Chị gái” thắng giải Trái Tim, giải thưởng dành cho bộ phim được yêu thích nhất tại Prix Jeunesse International và giải UNICEF tại Japan Prize (Giải thưởng Nhật Bản) do Nhật Hoàng trao tặng. Bộ phim “Anh em” đoạt giải nhất ABU của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương năm 2019. Đó là những ghi nhận đầu tiên để tôi và các cộng sự có thêm niềm tin vào con đường mình đã chọn”.

Câu chuyện của chị Phan Ý Linh còn gây chú ý bởi những tâm sự rất thật về quá trình tác nghiệp giữa tâm dịch Covid-19. Xúc động đọc lá thư đề nghị Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho phép ê kíp được đi vào các điểm dịch phức tạp để bấm máy, ghi lại những thước phim giá trị, chị Linh bày tỏ: “Những khó khăn và hiểm nguy cho chúng tôi hiểu thêm về bản thân cũng như những giới hạn của mình. Dù có những ngày ê kíp chỉ có mì tôm và trứng luộc lót dạ nhưng chưa lúc nào chúng tôi cảm thấy mệt mỏi, ngược lại lồng ngực luôn căng tràn nhiệt huyết”.

Đại diện Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai tham gia hội nghị, chị Nay HNe-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Biên tập tiếng dân tộc-không giấu được sự vui mừng và tự hào. Trong 20 năm làm việc tại Đài, chị H'Ne luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt tình với công việc. Chị cho biết nghề báo đã cho mình nhiều trải nghiệm, vốn sống quý báu qua từng chuyến đi. Chị H'Ne trải lòng: “Nghề báo buộc mình phải vận động không ngừng, phải làm mới liên tục. Vì vậy, tôi luôn tìm thấy sự hứng khởi trong công việc. Mỗi chuyến đi đến các thôn, làng giúp tôi hiểu thêm về tình hình ở cơ sở, đời sống của bà con. Là người Jrai, tôi có lợi thế khi có thể nói cùng ngôn ngữ, hiểu rõ về phong tục, tập quán của bà con. Nhờ vậy, tác phẩm thêm chân thật, sinh động, đáp ứng yêu cầu công chúng”.

Tương tự, chị Phan Thị Tú Quyên-Phó Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn Báo Kon Tum đã có hơn 11 năm làm phóng viên trước khi chuyển sang công tác biên tập. Tâm huyết với nghề, không ngừng học hỏi, bám sát yêu cầu thực tế, chị ngày càng trưởng thành, ngòi bút thêm sắc sảo. “Kon Tum là địa bàn khá rộng, có những buôn làng nằm cách biệt giữa rừng núi, rất khó tiếp cận. Những nơi đó, bà con còn nghèo, thiếu thốn đủ bề. Do vậy, trong tác phẩm của mình, tôi luôn lồng ghép đề nghị các cấp, ngành ở địa phương quan tâm tạo điều kiện để bà con vươn lên. Và tôi nghĩ đó chính là trách nhiệm của người làm báo”.

Tại hội nghị còn diễn ra cuộc giao lưu, trò chuyện giữa nhà báo các thế hệ, về những kỷ niệm làm nghề trong chiến tranh, những thước phim đầy xúc động để tưởng nhớ các nhà báo đã hy sinh trong thời chiến cũng như thời bình. Tất cả đã làm lay động trái tim của những người làm báo tham gia hội nghị, thức dậy thêm trong mỗi người niềm tự hào và tình yêu nghề.

Tạo điều kiện tốt nhất để người làm báo sáng tạo

Trong khuôn khổ chương trình, chiều 12-6, tại Tòa nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt với 187 người làm báo tiêu biểu đến từ các cơ quan báo, đài trong cả nước. Cùng dự có đồng chí Võ Văn Thưởng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành.

Trao bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho những người làm báo tiêu biểu. Ảnh: P.L
Trao bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho những người làm báo tiêu biểu. Ảnh: P.L

Tại hội nghị sáng 13-6, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng quà tri ân 7 nhà báo lão thành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà và tặng bằng khen cho 187 người làm báo tiêu biểu trong cả nước.

Tại buổi gặp mặt, các nhà báo đã thẳng thắn nêu ra những bất cập, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp, đồng thời đề xuất các cấp, các ngành tạo điều kiện hơn nữa để báo chí hoạt động thuận lợi, phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ niềm vui khi được gặp gỡ những người làm báo tiêu biểu đại diện cho hơn 40.000 người làm báo trong cả nước và lắng nghe, ghi nhận, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị, mặt khác trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chủ động định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm chuyển tải thông tin đầy đủ, kịp thời về hoạt động của Quốc hội; phản ánh chính xác, khách quan, có trách nhiệm về những vấn đề thực tiễn của xã hội; tuyên truyền sâu rộng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu tại hội nghị sáng 13-6, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cũng đã đánh giá cao những đóng góp của người làm báo, các cơ quan báo chí vào quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; tích cực bám sát, phản ánh toàn diện, chân thực và sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là tinh thần đồng lòng phòng-chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Đội ngũ những người làm báo ngày càng năng nổ, nhiệt tình, xông xáo, không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, tích cực cập nhật thông tin, áp dụng công nghệ vào phục vụ chuyên môn. Chất lượng tác phẩm báo chí ngày càng nâng lên, nhiều tác phẩm đạt giải báo chí trong nước và quốc tế, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị những người làm báo đẩy mạnh hơn nữa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ vững lập trường chính trị, tuân thủ 10 điều quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để làm tốt công tác tuyên truyền thông tin, định hướng dư luận xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để đội ngũ người làm báo phát huy tốt nhất phẩm chất, trí tuệ, tinh thần sáng tạo và nhiệt huyết.

 

 PHƯƠNG LINH




 

Có thể bạn quan tâm