Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nàng Xê Đa thời hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bản dựng mới của Nàng Xê Đa giúp khán giả sống lại ký ức một thời về vở cải lương kinh điển từng làm lay động biết bao người mộ điệu.

Cảnh vua Priêm đoàn tụ cùng Xê Đa và con trai Ra La trong cái chết ẢNH: H.K
Cảnh vua Priêm đoàn tụ cùng Xê Đa và con trai Ra La trong cái chết ẢNH: H.K
Vở cải lương Nàng Xê Đa (tác giả chèo Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Thể Hà Vân) từng “gây bão” trong tim khán giả suốt thập niên 1980, với khoảng 1.500 suất diễn. Công ty biểu diễn Song Việt vừa đầu tư tái dựng với bàn tay đạo diễn NSƯT Hoa Hạ, ra mắt suất đầu tiên vào đêm 30.1 tại Nhà hát Bến Thành trước khi bắt đầu lịch diễn đều đặn từ mùng 10 Tết Nguyên đán tại Nhà hát Trần Hữu Trang.
Chuyện tình của hoàng hậu Xê Đa và vua Priêm hiện ra trong bi kịch nhưng lại ẩn chứa một triết lý sâu sắc. Tình yêu thôi chưa đủ, nó sẽ có nguy cơ tan vỡ nếu tâm con người có những khoảng tối. Quỷ Riếp xuất hiện, gieo nọc độc vào lòng Priêm để ông nghi ngờ đức hạnh của Xê Đa và xử bà tội chết. Quỷ Riếp là biểu tượng cho sự đen tối muôn hình vạn trạng trong lòng người. Khi nó là dục vọng, biến Riếp thành ma nữ cám dỗ Priêm. Khi nó là sự ghen tuông mù quáng khiến Priêm hất hủi Xê Đa. Khi nó là sự ích kỷ, tàn nhẫn, nên Priêm sát hại biết bao quan lính để bảo vệ ngai vàng. Tuổi thanh niên Priêm trong trẻo, vị tha, nhưng khi nếm mùi danh lợi, quyền biến chốn cung đình thì trở nên tệ bạc, độc ác. Và cái giá phải trả là ông mất hết tình thân, chỉ còn lại sự cô đơn.

Hoàng tử Pơ Le (trái) dùng trái tim mình cứu lấy niềm tin cho Hanuman
Hoàng tử Pơ Le (trái) dùng trái tim mình cứu lấy niềm tin cho Hanuman
Đối trọng với Priêm là Hanuman, chúa khỉ luôn muốn biến thành người. Tuy nhiên, Hanuman ghê sợ khi thấy thế giới loài người lại có những nhân vật như Priêm còn thua loài thú. Nhưng cũng vẫn còn những tấm lòng như hoàng tử Pơ Le đã dùng trái tim mình, sinh mạng mình để cứu sinh mạng Xê Đa và cứu cả niềm tin trong Hanuman. Dù có những khoảng tối nhưng cuộc đời vẫn tràn đầy cái đẹp, cái thiện, hãy tin và yêu, đừng chối bỏ.
Tác phẩm kinh điển đẹp đến từng lời ca, lời thoại, và đạo diễn Hoa Hạ đã làm mới vở diễn để phù hợp với khán giả trẻ. Bà quan niệm cải lương hôm nay phải màu sắc hơn để thỏa mãn phần nghe lẫn phần nhìn, và hành động hơn, kịch tính hơn. Vì vậy vũ đạo, âm nhạc, ca múa rất nhiều, vô cùng hấp dẫn, với sự đóng góp tuyệt vời của nhạc sĩ Thanh Liêm và chuyên gia vũ đạo NSƯT Lê Trung Thảo. Hàng trăm bộ trang phục lộng lẫy xuất hiện từ nhà thiết kế Công Minh và Ngọc Tuấn. Thực sự đây là một bữa tiệc hoành tráng trong mùa Covid-19, khiến người ta phải nể phục những trái tim hết lòng vì cải lương.
Nghệ sĩ hầu hết đều trẻ, thể hiện rất rõ xu hướng đào tạo thế hệ kế thừa của đạo diễn Hoa Hạ và giám đốc công ty là soạn giả Hoàng Song Việt. Nếu cứ nuối tiếc quá khứ, hoặc lo sợ cái bóng của quá khứ, thì lớp trẻ biết bao giờ mới đứng vững và phát triển cải lương. Vì vậy dù hoài niệm những nghệ sĩ vang danh ngày xưa như NSƯT Phương Quang, NSND Thanh Vy, NSƯT Minh Châu… nhưng cũng không thể phủ nhận nỗ lực và khả năng của nghệ sĩ Võ Minh Lâm, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Tú Sương, Cao Thúy Vy, Hoàng Quốc Thanh, Minh Trường… đã làm khán giả cảm động. Thậm chí có người chưa từng đóng vở dài như Phương Cẩm Ngọc đã vào vai Ra La lấy được nước mắt khán giả. Và điểm nhấn sáng giá nhất là Võ Minh Lâm trong vai vua Priêm, NSƯT Phượng Loan vai Xê Đa, có thể nói đây là vai diễn để đời của họ.
Theo Hoàng Kim (TNO)

Có thể bạn quan tâm