Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17/3/1975-17/3/2022): Trọn đời tận hiến cho đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh ra ở một làng quê nghèo của xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) nhưng ông Nguyễn Thứ (1931-2000) đã gắn bó phần lớn đời mình ở mảnh đất Gia Lai. Ông tham gia cách mạng từ sớm và kinh qua nhiều chức vụ. Dù ở vị trí nào, trái tim của người cộng sản trong ông luôn ấm nóng tinh thần tận hiến cho đất nước.
Trái tim người cha
Căn nhà cấp 4 xinh xắn nằm trong con hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) có khoảng sân gạch phủ bóng cây mát rượi. Ngay lối vào là cây nguyệt quế nở hoa trắng muốt, thơm ngát cả khoảng không gian. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-con gái đầu của ông Nguyễn Thứ, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hiện đang ở trong ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm của gia đình. Bà Thủy vẫn còn giữ hàng trăm bức ảnh về cha cùng đồng chí, đồng đội của ông thời kỳ còn hoạt động ở khu căn cứ cách mạng Krong. Những tấm ảnh đen trắng như những thước phim tư liệu sống động, quý giá, hé mở nhiều câu chuyện cảm động về một thời kháng chiến.
Năm 1966, bà Thủy sinh ra giữa rừng núi Krong. Khi ấy, mẹ bà là nữ y tá Trần Thị Liên. Cũng như bao đứa trẻ cùng thời, bà Thủy lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc, dạy dỗ của các cô chú ở vùng căn cứ cách mạng mà ít được gần gũi cha mẹ. Bà bồi hồi nhớ lại: “Khi tôi bắt đầu đi học, trường lớp dựng ngay tại khu căn cứ cách mạng Krong, cơ sở vật chất rất đơn sơ. Khi đó, ba mẹ tôi mỗi người hoạt động một nơi, thỉnh thoảng ông bà mới về thăm con. Dẫu vậy, ba tôi hoàn toàn yên tâm giao phó con cái cho cách mạng dạy dỗ, bởi bản thân ông cũng từ cách mạng mà trưởng thành. Ông luôn nói, ba tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng, vào đồng đội, đồng chí của mình. Mỗi khi gặp tôi, ba chỉ dặn dò cần cố gắng học tập để trở thành một người có ích, phải sống tự lập, không được dựa dẫm, ỷ lại hay làm phiền người khác. Tôi sống xa ông thời thơ ấu nhưng lời dạy của ông tôi luôn khắc ghi trong lòng. Hơn nữa, trong môi trường cách mạng như ở Krong, bất kỳ đứa trẻ nào cũng sẽ được tôi rèn tinh thần ấy”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy giữ nhiều hình ảnh quý giá về cha và các đồng đội, đồng chí của ông thời kỳ hoạt động cách mạng ở Khu căn cứ Krong. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy giữ nhiều hình ảnh quý giá về cha và các đồng đội, đồng chí của ông thời kỳ hoạt động cách mạng ở Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Hoàng Ngọc
Giữa hàng trăm bức ảnh đen trắng đang được gìn giữ, bà Thủy cho tôi xem một bức ảnh mà bà rất quý. Đó là bức ảnh gia đình, em bé gái tay cầm bó hoa dại ngồi gọn trong vòng tay cha mẹ trên gốc cây giữa rừng. Bức ảnh thiếu sáng nhưng nụ cười của 3 người trong ảnh tràn ngập ánh sáng của hạnh phúc. “Đây chính là tôi trong vòng tay cha mẹ trong những lần hiếm hoi gia đình gặp nhau giữa khu căn cứ Krong”-bà xúc động nói. Ngoài ra, phần lớn hình ảnh đều chụp cha bà trong lúc làm nhiệm vụ, bên những người đồng chí, đồng đội như cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình, cố Bí thư Tỉnh ủy Lê Tam…
Tinh thần tận hiến
Ấn tượng của chúng tôi về ông Nguyễn Thứ qua những hình ảnh tư liệu là một người có ngoại hình đẹp, vầng trán cao thông minh. Khi mặc quân phục hay âu phục, ở ông đều toát lên khí chất của một con người tinh tú. Theo hồ sơ, ông sinh tháng 8-1931 ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 6-1946, ông bắt đầu tham gia cách mạng. Năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng. Nhiệm vụ đầu tiên trong cuộc đời làm cách mạng của ông là canh gác, đảm bảo an toàn cho những cuộc họp của cán bộ ở Ba Tơ (Quảng Ngãi).Tháng 10-1946, ông gia nhập lực lượng giải phóng quân, được biên chế vào Trung đoàn 67 và tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp. Tháng 10-1954, ông được Đảng phân công về làm cán sự huyện 4 (tức khu 4, tỉnh Gia Lai). Ông trở thành Bí thư Huyện 4 năm 1960 và đến tháng 2-1963 là Tỉnh ủy viên dự khuyết. Lúc này, ông được Khu ủy giao nhiệm vụ thay mặt cho Tỉnh ủy đi họp ở Nam Bộ (Trung ương Cục) về “tổng kết phá ấp chiến lược”, “họp kinh tế” và “dân vận” toàn miền. Sau đó, ông được Đảng phân công giữ nhiều vị trí khác như: Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn, Bí thư Huyện 3, Bí thư Huyện 7, Trưởng ban Hợp tác tỉnh, Trưởng ban Binh địch vận… Đầu năm 1969, ông ra Bắc học Trường Nguyễn Ái Quốc (khóa 5) và được đi tham quan 2 nước Liên Xô, Trung Quốc trong 2 tháng.
Ông Nguyễn Thứ (bìa phải) chụp hình cùng một số đồng chí, đồng đội ở Khu căn cứ cách mạng Krong (ảnh tư liệu chụp lại).
Ông Nguyễn Thứ (bìa phải) chụp hình cùng một số đồng chí, đồng đội ở Khu căn cứ cách mạng Krong (ảnh tư liệu chụp lại).
Trong suốt thời kỳ hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Thứ còn có một bí danh khác là Nguyễn Long. Kinh qua nhiều nhiệm vụ công tác và được trang bị, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị vững vàng, ông trưởng thành nhanh chóng. Năm 1971, ông trở về Gia Lai để tiếp tục nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến. Ông được Đảng tin tưởng giao phó nhiều vị trí như: Bí thư Huyện 5, Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Trưởng ty Thông tin-Văn hóa tỉnh Gia Lai, Bí thư Huyện ủy An Khê, Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh Gia Lai-Kon Tum cho đến ngày về hưu năm 1994. Trong một bài viết của tác giả Văn Xử đăng trên báo Gia Lai năm 2012 có đoạn nhắc về người cộng sản Nguyễn Thứ: “Năm 1948, Đội Vũ trang tuyên truyền xây dựng chúng tôi do anh Nguyễn Thứ làm Đội trưởng, anh Tôn Thành Long làm Chính trị viên, được lệnh cấp trên vượt sông Ba qua phía Tây bám trụ hoạt động, xây dựng thực lực kháng chiến. Địa bàn dọc phía Tây sông Ba thuộc huyện Đak Bơt tuy không rộng lắm nhưng có đến 4 đồn khố xanh đóng giữ, kìm kẹp Nhân dân trong vùng là đồn Yama, đồn Pơbah, đồn Hra và đồn Đe Alao, mỗi đồn có từ 1B đến 2C lính khố xanh Pháp đóng. Bộ máy ngụy quyền tay sai Pháp từ làng tổng, huyện được Pháp xây dựng hoàn chỉnh. Sau khi ổn định nơi trú quân, đơn vị cử 1A thọc sâu vào buôn làng của người Bahnar tìm cách tiếp xúc với dân làng để gây cơ sở kháng chiến chống Pháp”.
Tuy chỉ nhắc qua như vậy về ông Nguyễn Thứ, song đã cho thấy người cộng sản dù ở vị trí nào cũng kiên trung, chấp nhận gian khổ, gánh vác trọng trách. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng tin tưởng giao phó, trái tim người cộng sản Nguyễn Thứ luôn tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, tinh thần phụng sự trong sáng. Ông được Đảng và Nhà nước ghi nhận qua nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Giải phóng hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...
Đã hơn 20 năm ông Nguyễn Thứ đi xa nhưng tinh thần tận tụy cống hiến, lời dặn dò về tinh thần sống tự lập là tài sản lớn nhất ông để lại cho thế hệ con cháu. Bà Thủy bồi hồi nhắc nhớ: “Cha tôi không bao giờ ngừng học tập, dù khi đã về hưu. Điều đó cũng nhắc nhở chúng tôi dù ở vị trí công tác nào cũng đều do Đảng và tổ chức phân công, phải tận tâm, tận sức và không ngừng nỗ lực học tập để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.  
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm