Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Chi tiêu tiết kiệm góp phần giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua các mô hình tiết kiệm, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) giúp hội viên biết cách chi tiêu tiết kiệm, dành vốn để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Hình thức tiết kiệm an toàn
Ghé thăm căn nhà nhỏ của chị Rcom H’Loang (tổ 2, thị trấn Phú Thiện), chúng tôi thực sự bất ngờ khi được nghe chị chia sẻ về kết quả có được sau khi tham gia mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” do Hội LHPN thị trấn triển khai. Chị H’Loang cho hay: 3 chị em (gồm chị H’Loang, Rcom H’Ưng, Rcom H’Sưng) cùng tham gia mô hình. Mặc dù đã lập gia đình nhưng vì ít ruộng đất nên các chị thường đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống vì vậy cũng thiếu trước, hụt sau.
Khi tham gia mô hình, 3 chị cùng hứa sẽ cố gắng tiết kiệm ít nhất 10.000 đồng/ngày để cuối năm có một khoản kinh phí dùng cho kế hoạch của gia đình. “Theo quy định, mỗi tháng, tôi tiết kiệm được ít nhất 300.000 đồng. Tuy nhiên, có những tháng tôi tiết kiệm 500-700 ngàn đồng. Sau 1 năm, tôi tiết kiệm được 6,5 triệu đồng. Với số tiền này, tôi trích một phần đóng học phí cho con, phần còn lại sẽ dành mua bảo hiểm y tế”-chị H’Loang bộc bạch.
3 chị em gái Rcom H’Sưng, Rcom H’Loang, Rcom H’Ưng (từ trái sang) tham gia mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm”. Ảnh: Vũ Chi
Sau 1 năm tham gia mô hình, chị H’Ưng đã tiết kiệm được 6,2 triệu đồng. Theo chị H’Ưng, mô hình nuôi heo đất là hình thức tiết kiệm an toàn, hiệu quả. Trước đây, gia đình làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Còn bây giờ, chị luôn tự nhắc nhở mình chi tiêu hợp lý. “Tháng vừa rồi đi hái cà phê thuê, tôi đã bỏ heo 1 triệu đồng. Sau khi đập heo để mua bảo hiểm y tế, còn dư một ít, tôi bỏ heo tiết kiệm để mua thêm con bò về nuôi”-chị H’Ưng chia sẻ.
Lan tỏa sâu rộng
Phát động từ tháng 10-2021, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” của Hội LHPN thị trấn Phú Thiện đã thu hút 39 hội viên tham gia. Theo đó, mỗi chi hội chọn 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn triển khai thực hiện. Heo đất do Chi hội trưởng cất giữ. Hàng tuần hoặc hàng tháng, các thành viên đóng tiền bỏ heo và ký nhận vào sổ tay để làm căn cứ đối chiếu khi đập heo.
Bà Trần Thị Mỹ-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Thiện-thông tin: Sau 1 năm triển khai, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” đã giúp hội viên phụ nữ thay đổi nhận thức trong chi tiêu hàng ngày, hình thành thói quen tiết kiệm. Với 150 triệu đồng thu được sau khi đập heo, các chị dùng để tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, mua đồ dùng học tập cho con, đầu tư sản xuất… Năm 2023, Hội LHPN thị trấn phấn đấu nhân rộng mô hình với 70 thành viên.
Hội LHPN huyện Phú Thiện phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện tổ chức tuyên truyền, đối thoại, vận động hội viên nuôi heo đất để tiết kiệm kinh phí mua bảo hiểm y tế. Ảnh: Vũ Chi
Trong khi đó, tại xã Ia Sol, mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” cũng được nhân rộng tại 10 chi hội trong toàn xã. Nhờ biết chi tiêu tiết kiệm, cuối năm 2022, toàn xã chỉ còn 42 hội viên nghèo, giảm 10 hội viên so với đầu năm. Một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình này là Chi hội buôn Ia Peng. Bà Nguyễn Thị Hằng-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Ia Peng-cho hay: Được thành lập từ năm 2013, mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” của Chi hội thu hút 40 thành viên tham gia. Với mức tiết kiệm 5.000 đồng/tháng, mô hình đã tích góp được 33 triệu đồng. Mỗi năm, Chi hội bình xét cho 2 hội viên vay với lãi suất 1%/tháng. Đến nay, mô hình đã giúp 18 hội viên sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2022, Chi hội còn 13 hội viên nghèo.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Kim Cúc-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện-cho biết: Hội LHPN huyện đã xây dựng được 16 mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 650 thành viên, tổng số tiền tiết kiệm hơn 1,2 tỷ đồng. Sắp tới, Hội LHPN huyện sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả mô hình để rút kinh nghiệm cũng như nhân rộng trong toàn huyện. 
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm