Phóng sự - Ký sự

Làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

“Chìa khóa” giảm nghèo - Kỳ cuối: Cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để đẩy mạnh hơn nữa công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài rất cần sự chung tay đồng hành của chính quyền và các doanh nghiệp trong tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm. Đặc biệt là giúp NLĐ hiểu rõ các chính sách, tìm cơ hội phù hợp với năng lực cũng như nhận biết dấu hiệu bị lôi kéo, dụ dỗ đi lao động ở nước ngoài trái pháp luật.

Quan tâm, tạo điều kiện

Là cán bộ tuyển dụng Công ty cổ phần Hợp tác nhân lực quốc tế VINACO, bà Trần Thị Thủy cho hay: Từ năm 2016 đến nay, tôi được Công ty phân công phụ trách huyện Chư Sê. Qua thời gian gắn bó với NLĐ, tôi nhận thấy, giải pháp quan trọng nhất là giữ uy tín và sự quan tâm trong suốt quá trình từ lúc NLĐ bắt đầu đăng ký, được đi và trở về nước. Khi được quan tâm hỗ trợ nhiệt tình, mỗi NLĐ chính là một tuyên truyền viên hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức cho người khác về đi làm việc ở nước ngoài.

“Vì vậy, nhiều năm qua, huyện Chư Sê luôn dẫn đầu toàn tỉnh về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, huyện có hơn 80 lao động đã xuất cảnh làm việc ở thị trường Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Đài Loan… Còn khoảng gần 50 lao động đang học giáo dục định hướng, ngoại ngữ và chuẩn bị xuất cảnh vào đầu tháng 12-2023”-bà Thủy nói.

Ông Lê Thành Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le trao đổi chính sách tuyên truyền với cán bộ tuyển dụng về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: Đ.Y

Ông Lê Thành Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le trao đổi chính sách tuyên truyền với cán bộ tuyển dụng về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: Đ.Y

Trên thực tế, nhiều lao động đã được đi làm việc ở nước ngoài và có thu nhập cao. Họ cũng chính là tuyên truyền viên hiệu quả nhất để những lao động khác noi theo. Ông Nguyễn Văn Xuân-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Plei Mun Măk (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cho biết: “Mới đầu, làng chỉ có anh Ksor Be đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Đài Loan. Sau một thời gian, thanh niên trong làng thấy anh Be có tiền gửi về cho gia đình nên cũng tìm hiểu và đăng ký đi lao động ở nước ngoài. Hiện nay, làng có 14 thanh niên cùng đi làm việc ở Đài Loan”.

Bên cạnh sự nhiệt tình, tận tâm của cán bộ tuyển dụng thì sự đồng hành của chính quyền với các doanh nghiệp trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Ông Lê Như Dương-Giám đốc tuyển dụng Công ty cổ phần Hợp tác nhân lực quốc tế VINACO-chia sẻ: Một số huyện như Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa rất quan tâm đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng thêm thị trường xuất khẩu lao động có thu phí như: Nhật Bản, Đài Loan, Rumania, Hy Lạp… Vì vậy, chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đồng hành cùng đơn vị để đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đức-Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động MD Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến NLĐ; đồng thời, tìm các nguồn vốn hỗ trợ cho NLĐ không thuộc đối tượng chính sách vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để có chi phí đi xuất khẩu lao động.

Nói về các chính sách hỗ trợ vay vốn, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội-Chi nhánh tỉnh-cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền chính sách cho vay đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là lao động nông thôn nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có nhu cầu tiếp cận được với nguồn vốn vay xuất khẩu lao động, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương”.

Thời gian qua, huyện Krông Pa đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đối với NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề, đào tạo ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, ở, sinh hoạt phí, đi lại trong thời gian đào tạo; hỗ trợ chi phí làm các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài. Chính sách hỗ trợ vay vốn đối với NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn cũng hướng dẫn và hỗ trợ NLĐ sử dụng có hiệu quả kinh phí cho vay trước khi đi làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước đối với các công ty đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay, huyện Krông Pa có hơn 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các nước Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Krông Pa-cho rằng: Công tác đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài là hoạt động quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Vì vậy, cùng với triển khai các chính sách khuyến khích NLĐ, huyện chú trọng công tác quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. “Huyện thường xuyên thanh, kiểm tra ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách của Nhà nước để dụ dỗ, lôi kéo đưa NLĐ đi làm việc bất hợp pháp”-ông Hường nhấn mạnh.

Cung cấp thông tin chính thống

Hoạt động tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức của NLĐ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số về đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là giải pháp được các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh. Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Krông Pa khẳng định: “Chúng tôi sẽ tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ, quyền lợi, trách nhiệm, thu nhập… của NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cơ quan chuyên môn, địa phương cũng sẽ thông tin đầy đủ, kịp thời khách quan về tình hình NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài; kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình trong công tác xuất khẩu lao động; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật”.

Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu thị trường đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phi lợi nhuận. Ảnh: Đinh Yến

Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu thị trường đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phi lợi nhuận. Ảnh: Đinh Yến

Còn bà Vũ Thị Hà-Phó Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Chư Sê thì cho biết: “Huyện phấn đấu mỗi năm đưa trên 70 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian tới, huyện tăng cường rà soát các quy định của pháp luật về quản lý công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.

Bà Phạm Thị Ngọc Lan-Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH): Thời gian qua, Trung tâm kết nối với Sở LĐ-TB và XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình phi lợi nhuận. Tuy nhiên, thông tin về các chương trình này đến với người dân Gia Lai chưa được nhiều. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục thông tin sâu rộng đến với NLĐ trong tỉnh, đẩy mạnh việc kết nối qua các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm để đưa thông tin chính thống đến với NLĐ, giúp họ tìm được cơ hội đi lao động ở nước ngoài, có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Theo ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Đức Cơ: Lao động phổ thông người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn thường thiếu kỹ năng, ngoại ngữ, vốn, thêm tâm lý ngại đi xa là rào cản khiến lao động chưa mặn mà tiếp cận, tìm hiểu việc làm ở nước ngoài. Vì vậy, các tổ chức, đoàn thể cần tích cực phối hợp với các doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đẩy mạnh tuyên truyền đến từng thôn, làng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu phù hợp để tư vấn, giới thiệu, đào tạo nghề, học giáo dục định hướng cho lao động.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng nhiều và đa dạng, nhất là những thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Để đẩy mạnh hoạt động này, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Trần Thanh Hải, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để NLĐ trong tỉnh hiểu biết đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cập nhật và tuyên truyền kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về các thị trường lao động ngoài nước; công khai danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn; điều kiện lao động và sinh hoạt; các khoản phí phải nộp, quyền lợi và trách nhiệm của NLĐ khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Sở cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho cán bộ phòng LĐ-TB và XH, đại diện lãnh đạo các xã, phường, thị trấn; già làng, trưởng thôn.

“Bên cạnh đó, Sở thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra đối với các doanh nghiệp tham gia đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm và tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ cũng như doanh nghiệp; đồng thời, nghiên cứu xem xét thiết lập kênh thông tin kết nối giữa NLĐ với doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động tại địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ”-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm