Hơi thở Gen Z

Hành trang

Chiến dịch “Mùa hè xanh”: Cơ hội để cống hiến và trưởng thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những cơn mưa dầm tháng 7 vẫn không ngăn được nhiệt huyết của các chiến sĩ tình nguyện “Mùa hè xanh” Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh.

Trải nghiệm thực tế “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” tại các xã khó khăn, những chiến sĩ tình nguyện đã có một mùa hè đáng nhớ.

Góp sức trẻ cho vùng khó

Có mặt tại xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), nơi đội hình “Mùa hè xanh” của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh đóng quân, chúng tôi cảm nhận được không khí sôi nổi và tinh thần làm việc hăng say của 19 chiến sĩ tình nguyện. Các nam sinh viên hỗ trợ xây dựng nhà ở cho bà Mai Thị Hiền (gia đình chính sách ở thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ).

Sau 15 ngày tình nguyện, các sinh viên đã thuần thục, nhịp nhàng hơn khi cầm bay, trộn bê tông. Những giai điệu của bài hát “Mùa hè xanh” phát ra từ chiếc điện thoại di động như thôi thúc, cổ vũ các sinh viên nỗ lực hơn.

Sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng nhà cho bà Mai Thị Hiền. Ảnh: Phan Lài

Sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng nhà cho bà Mai Thị Hiền. Ảnh: Phan Lài

Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo xanh, quần áo lấm lem cát bụi nhưng các sinh viên tình nguyện vẫn nhiệt tình tham gia công việc. Ngôi nhà có diện tích hơn 50 m2 với kinh phí xây dựng 100 triệu đồng, trong đó, 60 triệu đồng do Đoàn trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tài trợ; số tiền còn lại do UBND xã Ayun Hạ hỗ trợ và gia đình đóng góp.

Bà Hiền tâm sự: “Trở về sau cuộc chiến, tôi bị nhiễm chất độc da cam nên không lập gia đình. Tuổi cao, hoàn cảnh neo đơn nên không có điều kiện sửa chữa nhà. Tôi rất vui khi được các cháu sinh viên hỗ trợ xây dựng nhà ở”.

Từ ngày có sinh viên về xã, những buổi sinh hoạt hè của các em thiếu nhi cũng trở nên vui nhộn. Ở nhà văn hóa làng Ring Đáp, các nữ sinh viên tiến hành ôn tập môn Toán và Tiếng Việt cho 40 em thiếu nhi. Không chỉ ôn kiến thức, các em còn được tập hát, học cách gấp máy bay hoặc chiếc thuyền bằng giấy. Giờ ra chơi, các em còn tham gia một số trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây…

Em Rcom H’Dịu (lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, xã Ayun Hạ) bày tỏ: “Các anh chị sinh viên tình nguyện rất gần gũi, nhiệt tình hướng dẫn em ôn tập kiến thức, cùng nhau vui chơi. Em mong hè nào các anh chị cũng về với làng em”.

Các sinh viên ngành Nông học hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng mì cao sản, nạo vét kênh mương nội đồng, dọn vệ sinh môi trường. Đội hình tình nguyện tặng 1 công trình tuyến đường năng lượng mặt trời trị giá 10 triệu đồng cho làng Ring Đáp; tặng 5 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho các gia đình chính sách trên địa bàn xã...

Anh Phạm Nguyên Hoàng-Bí thư Đoàn xã Ayun Hạ-chia sẻ: “Các bạn sinh viên rất nhiệt tình, năng động, triển khai nhiều công trình, phần việc ý nghĩa cho địa phương. Đoàn xã huy động đoàn viên, thanh niên cùng tham gia hoạt động tình nguyện với sinh viên để thắt chặt tình đoàn kết, đẩy nhanh tiến độ công việc”.

Chọn xã Ia Kly (huyện Chư Prông) làm mặt trận tình nguyện, các sinh viên Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh đã có những trải nghiệm thú vị. Mặc dù gặp không ít khó khăn do mưa kéo dài song các chiến sĩ đã linh hoạt triển khai những hoạt động phù hợp.

Sinh viên Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh lắp đặt các trụ điện năng lượng mặt trời tại làng Pó, xã Ia Kly, huyện Chư Prông. Ảnh: P.L

Sinh viên Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh lắp đặt các trụ điện năng lượng mặt trời tại làng Pó, xã Ia Kly, huyện Chư Prông. Ảnh: P.L

40 bóng điện năng lượng mặt trời được lắp đặt trên tuyến đường chính nối từ UBND xã Ia Kly đến làng Pó là công trình của Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh trong chiến dịch “Mùa hè xanh” năm nay. Các trụ điện, bóng và tấm pin năng lượng mặt trời được đặt mua tại TP. Hồ Chí Minh và thuê xe vận chuyển về xã.

Bà Rơ Lan Blêh-Bí thư Chi bộ làng Pó-phấn khởi nói: “Công trình ý nghĩa giúp đoạn đường từ xã đến làng Pó sáng rõ, bà con lưu thông thuận lợi, nhất là vào ban đêm. Thay mặt bà con làng Pó, mình cảm ơn các sinh viên tình nguyện nhiều lắm”.

Trong chiến dịch “Mùa hè xanh”, các sinh viên Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh còn sơn vẽ lại phòng học điểm trường làng Pó thuộc Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến; trồng 1.000 cây xanh dọc theo các tuyến đường làng của xã Ia Kly; hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng 1 nhà tình nghĩa cho hộ dân khó khăn ở làng Klă (xã Ia Kly); tổ chức “Gian hàng 0 đồng” tặng áo quần cho bà con.

Chị Nguyễn Thị Ánh Kiều-Chỉ huy trưởng chiến dịch “Mùa hè xanh” Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-tâm sự: “Chi phí phục vụ chiến dịch do các bạn sinh viên đóng góp và gây quỹ từ việc bán đồ handmade, bán bắp rang bơ sau giờ học. Tuy vất vả nhưng ai nấy đều cảm thấy vui vì giúp bà con những phần việc ý nghĩa”.

Mùa hè đáng nhớ

“Đóng quân” tại xã Ayun Hạ từ ngày 7 đến 26-7, các sinh viên tình nguyện Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng thời gian trải nghiệm quý giá. Sinh viên Nguyễn Phương Thùy-Đội trưởng đội hình tình nguyện “Mùa hè xanh” Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-cho biết: “Trước khi triển khai chiến dịch, Đoàn trường kết nối với Tỉnh Đoàn Gia Lai để triển khai các công trình, phần việc phù hợp với địa phương.

Các bạn đến từ các tỉnh, thành phố và học các ngành khác nhau nhưng gắn kết, sẻ chia trách nhiệm khi cùng tham gia hoạt động tình nguyện. Chúng em coi chiến dịch là cơ hội “thử lửa” nhiệt huyết, tích lũy kiến thức, kỹ năng cho bản thân”.

Sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thiếu nhi xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) cách làm máy bay bằng giấy. Ảnh: P.L

Sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thiếu nhi xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) cách làm máy bay bằng giấy. Ảnh: P.L

Tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”, một số sinh viên Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh bị cảm sốt do thời tiết, môi trường sống thay đổi; chỗ ở là nhà sinh hoạt cộng đồng làng Pó cũng khá chật chội. Tuy vậy, với sức trẻ và sự nhiệt huyết, các sinh viên đã vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trước chiến dịch.

Trong quá trình tham gia chiến dịch, sinh viên tình nguyện Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất quy tắc chỉ được sử dụng điện thoại 1-2 giờ/ngày để tập trung cao độ cho hoạt động tình nguyện.

Cuối ngày, đội hình tình nguyện họp đánh giá và phân công nhiệm vụ cho ngày tiếp theo. Đội hậu cần chủ động cơm nước bằng bếp củi, 30 chiến sĩ tình nguyện đều phải trải qua nhiệm vụ này. Từ 7 giờ sáng, các bạn bắt tay vào công việc. Các hoạt động được điều phối bởi chỉ huy trưởng chiến dịch để tạo sự phối hợp nhịp nhàng, phát huy hiệu quả.

Chia sẻ cảm nhận về chiến dịch “Mùa hè xanh”, anh Nguyễn Huỳnh Gia Huy-Sinh viên ngành Tài chính-Kế toán (Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: “Đây là năm thứ 2 em tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”. Năm 2023, em tham gia tình nguyện ở xã Kim Tân, huyện Ia Pa.

Đội hình tình nguyện đã nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện từ lãnh đạo xã, đoàn viên, thanh niên. Chúng em ai cũng hạnh phúc khi thấy việc làm của mình đem lại niềm vui cho bà con, được góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Có thể bạn quan tâm