Thời sự - Bình luận

Chính phủ điện tử nhìn từ người dân và doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có nhiều định nghĩa về Chính phủ điện tử nhưng tại VN, theo Bộ TT-TT, đó là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Vậy với việc VN tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử, ở vị trí thứ 71 trong 193 quốc gia thành viên LHQ... thì người dân, doanh nghiệp đang thụ hưởng những gì?

Hiểu một cách đơn giản, Chính phủ điện tử là "4 không": có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Nhìn trên các tiêu chí này sẽ thấy việc thăng hạng của VN trong năm 2024 là hoàn toàn chính xác.

Phổ cập nhất là thanh toán không dùng tiền mặt. Không chỉ các giao dịch lớn, ở các đô thị lớn, hiện nay từ mua ly nước giá vài chục ngàn đồng cho tới thanh toán tiền tỉ, từ trung tâm ra ngoại ô, từ TP tới các địa bàn xa xôi... đều có thể chuyển khoản, quét mã QR, cà thẻ. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động là giải quyết hầu hết các nhu cầu giao dịch, mua bán, thanh toán trong đời sống hằng ngày. Hơn nữa, nếu thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành "chuyện thường ngày" thì các dịch vụ làm hộ chiếu, đổi bằng lái, nộp phạt vi phạm giao thông... chỉ cần ngồi nhà thao tác trên máy thực sự mang lại cảm nhận rõ rệt nhất cho người dân cả định lượng và định tính về sự tiện ích của nền hành chính số. Bởi trước kia, các dịch vụ này phải làm thủ công, tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Đơn cử như vi phạm giao thông ở đâu nộp phạt ở đó khiến nhiều người phải chạy từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, tốn không ít xăng cộ, thời gian không ít trường hợp chi phí còn nhiều hơn số tiền phạt. Tương tự, làm hộ chiếu, đổi bằng lái thì trần ai xếp hàng... nên mới nảy sinh đội ngũ "cò" làm thay. Hiện nay, tất cả các dịch vụ này đều thực hiện qua mạng. Người dân chỉ cần ngồi một chỗ, làm vài thao tác là xong. Với doanh nghiệp (DN), nhờ Chính phủ điện tử mà các hoạt động như nộp thuế, hoàn thuế, khai bảo hiểm xã hội, khai hải quan, thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước đều có thể thực hiện qua các hình thức điện tử, giúp tiết kiệm được thời gian, tối ưu chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Hay khả năng họp không gặp mặt, một trong "4 không" của Chính phủ điện tử giờ cũng phổ cập từ T.Ư tới địa phương, khắp mọi nơi mọi chỗ. Chúng ta đã, đang chứng kiến những cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, các bộ ngành, DN. Từ các tỉnh, thành tới các tổ chức, hiệp hội, DN..., họp trực tuyến đã "thống trị" hoàn toàn so với các cuộc họp trực tiếp, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Bên cạnh sự tiện ích, một yếu tố quan trọng của Chính phủ điện tử là tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý KT-XH, đặc biệt là các dịch vụ công. Từ đó tạo niềm tin của người dân với Nhà nước. Thế nên việc tăng hạng vượt bậc của Chính phủ điện tử đồng nghĩa tăng sự tiện ích, tối ưu hóa chi phí và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, DN.

Quan trọng hơn, với thành tựu này, chúng ta sẽ có tiền đề để chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, từ "4 không" thêm "4 có" như chiến lược đề ra. Đó là có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý KT-XH.

Đó cũng chính là kỷ nguyên mới mà nền kinh tế VN đang hướng tới, kỷ nguyên của kinh tế số.

Theo Nguyên Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm