(GLO)- Ngày 27-7-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và du lịch diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Như vậy, dịch vụ ăn uống về đêm là một trong những hoạt động chính của kinh tế đêm, gắn với hoạt động du lịch. Ở một số thành phố lớn đã hình thành nhiều tuyến phố ẩm thực hoạt động rất tấp nập, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi tham gia các hoạt động giải trí về đêm tại điểm đến.
Ở những quốc gia phát triển du lịch như Pháp, Ý… hoạt động ẩm thực gần như đóng vai trò chính trong tổng thể các hoạt động văn hóa, giải trí về đêm. Cuộc sống về đêm tập trung ở những dịch vụ cao cấp như: quán bar, câu lạc bộ, tổ chức đêm nhạc, khiêu vũ, các sự kiện văn hóa… Các hoạt động này cũng luôn đi kèm với dịch vụ ẩm thực, thưởng thức rượu hoặc những phố mua sắm. Nhìn chung, tất cả những hoạt động về đêm luôn có 2 hoạt động chính: văn hóa và ẩm thực.
Ở Việt Nam, 2 thành phố du lịch lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã hình thành các dịch vụ về đêm, trong đó, hoạt động ẩm thực là điểm nhấn nổi bật. Không xa lạ gì khi nhắc đến Hà Nội với phố Tạ Hiện luôn chật kín người thưởng thức những món ngon phố cổ, “Ngã tư Quốc tế” Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến với những cốc bia hơi mát lạnh, giá rẻ hay khu vực Hồ Hoàn Kiếm với nhiều hoạt động hấp dẫn, trong đó có ẩm thực... Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phát triển các khu phố kinh doanh về đêm (ẩm thực, quán bar, quán cà phê...) như phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1), phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành với các dịch vụ như uống bia giá rẻ và ăn các món ăn đường phố. Trong đó, phố đi bộ Bùi Viện là khu vực nhộn nhịp nhất hiện nay của thành phố mang tên Bác.
Gian hàng bán nem lụi nướng ở chợ đêm Pleiku. Ảnh: Phạm Ly |
Từ thực tế trên có thể thấy, hoạt động kinh tế đêm chỉ thật sự phát triển tại những trung tâm đô thị, nơi tập trung đông nhất người dân sở tại cũng như khách du lịch. Họ cũng là nhân tố quyết định cho sự tồn tại của hoạt động giải trí về đêm. Tại hội thảo đề tài khoa học cấp tỉnh “Tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng trong việc phát triển du lịch ở tỉnh Gia Lai” được tổ chức ngày 20-7 do Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) chủ trì, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa-Viện trưởng VIRI, Chủ nhiệm đề tài đã đề xuất hình thành mô hình “Chợ đêm ẩm thực” cho TP. Pleiku, gắn với chợ đêm Pleiku hiện nay để gia tăng trải nghiệm cho hoạt động du lịch khi du khách đến Phố núi.
Thực tế, chợ đêm Pleiku đã tồn tại ngay trung tâm thành phố (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Diên Hồng) từ nhiều chục năm nay. Khoảng 17-18 giờ hàng ngày, các tiểu thương đã bày biện sạp hàng để bán buôn và chợ hoạt động cho tới sáng hôm sau. Là chợ đầu mối nên ở đây bày bán đa dạng các mặt hàng, các quầy trái cây, hoa tươi, thực phẩm, rau củ quả tươi ngon được tiểu thương chở tới rồi phân phối sỉ lẻ khắp các huyện, thị trong tỉnh. Đặc biệt, tại khu vực này có khá nhiều quầy hàng bán các món ăn dân dã, từ các món ăn mặn đến giải khát thu hút rất đông giới trẻ. Tuy nhiên, khu vực bán hàng ăn uống này mang tính tự phát, các quầy hàng chen chúc dọc theo đường Hoàng Văn Thụ, lấn chiếm vỉa hè và lòng đường nên buổi tối thường gây ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường không được đảm bảo vì các quầy bán mang tính tạm bợ, từ đó ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Với diện tích khoảng 4.800 m2, chợ đêm Pleiku rất thích hợp để chuyển đổi thành mô hình “Chợ đêm ẩm thực” theo đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa. Tại đây tập trung những quầy hàng ẩm thực như khu bán hàng ăn mặn, khu giải khát, khu bán trái cây, khu vực ăn tại chỗ và mang đi… “Chợ đêm ẩm thực” giải quyết được những vấn đề cần thiết hiện nay của TP. Pleiku như: góp phần hình thành dịch vụ ban đêm trong tiến trình thực hiện chủ trương của Chính phủ về thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, quan trọng nhất là góp phần đa dạng dịch vụ du lịch tại điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Về mặt xã hội, “Chợ đêm ẩm thực” sẽ tạo việc làm ổn định cho các tiểu thương, hộ gia đình đang buôn bán tại khu vực chợ đêm, đồng thời giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường của khu vực này, góp phần tạo mỹ quan cho đô thị Pleiku.
PHAN NGỌC DIỆP