Chợ phiên trên cao nguyên M'Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi vẫn ao ước một lần ngược lên mạn Đông Bắc, Tây Bắc để hòa mình vào một phiên chợ, uống bát rượu ngô và chìm đắm trong không gian văn hóa đặc trưng nhưng chưa có dịp. Và, khi tôi đến Đak Nông, được thỏa sức trải nghiệm một phiên chợ sôi động giữa bốn bề là núi trên nền trời thẫm nước, tôi chợt nhận ra, Tây Nguyên mình thật diệu kỳ.

Từ TP. Gia Nghĩa, theo cung đường bám vào núi, xuyên qua những đoạn rừng già, tôi đặt chân đến xã Đak R'Măng, huyện Đak Glong, tỉnh Đak Nông sau thời gian hơn một giờ ngồi xe. Núi mùa mưa, màu xanh bạt ngàn nối tiếp trên cao nguyên M'Nông, trải dài tít tắp. Ở đó có các loại cây công nghiệp dài ngày, xen giữa thung lũng là những rẻo lúa dài. Trên đỉnh núi, những đám mây la đà như chưa muốn rời đi. Thoảng hoặc, một vài cánh chim chao mình trong sớm mai.

 Tác giả (ở giữa) chụp ảnh tại chợ phiên. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Tác giả (ở giữa) chụp ảnh tại chợ phiên. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp


Chợ phiên lôi cuốn tôi bằng những chiếc váy sặc sỡ sắc màu. Các chị, các mẹ đội những chiếc khăn chít đầu màu sáng. Váy của họ cũng thật rực rỡ. Thi thoảng, tôi gặp những bé gái tung tăng theo mẹ ra chợ. Những cụ bà cũng sặc sỡ váy hoa, ống chân cũng bó bằng những chiếc đai đặc trưng, trên tai đeo những đôi hoa bằng bạc lấp lánh theo nụ cười tươi sáng.

“Đến chợ phiên phải ăn thắng cố”-lời của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huy Tịnh khiến chúng tôi háo hức. Tôi nghe thế liền tạt ngay vào quán của chị Hoa-một phụ nữ người Mông đang xắn tay múc phở cho khách. Rời quê hương Tuyên Quang, chị vào Đak RMăng lập nghiệp nay đã 14 năm. Chị kể, chồng chị quê ở Bắc Hà, Lào Cai. Hàng ngày, anh chị lên rẫy trồng cà phê, đến chủ nhật 2 vợ chồng ra chợ bán thắng cố. Chị nói rồi chỉ tay vào người đàn ông đeo dao quắm đang đập hạt gia vị trong túi vải để cho vào nồi thắng cố.

Tôi hỏi chị Hoa, ngoài thắng cố thì còn món gì nên một lần thưởng thức cho biết. Chị chỉ cho tôi món canh đậu phụ, mèn mén và bánh treo lá. Theo chị Hoa, đó là những món đặc trưng của người Mông tại đây. Nghe lời khuyên của chị, tôi vào sâu trong chợ, len qua những hàng xôi được nhuộm rực rỡ sắc màu thì đến quán canh đậu. Đậu phụ trắng nấu lẫn với rau trong một chiếc chảo to, bên cạnh đó là một chiếc… xẻng dùng để xắn đậu cho vào tô, than trong lò vẫn còn hồng để chảo đậu bốc khói. Thốt nhiên, tôi sinh ngại ngần không dám thử nên hỏi mua chiếc bánh nếp mà người dân ở đây gọi là bánh treo lá. Bột nếp giã, hơi cứng chứ không dẻo như bánh tôi thường ăn, bên trong có nhân đậu phộng giã nhỏ với đường, giá chỉ 5 ngàn đồng/cái.

Dạo quanh chợ một vòng, lại thấy biết bao mặt hàng đặc trưng vùng miền được bày bán. Từ những chiếc váy áo sặc sỡ đủ kích cỡ được lấy về từ chợ Lào Cai cho đến chiếc địu đeo trẻ con lấp lánh hoa văn, những chiếc mũ đội đầu, dải trang trí óng ánh cườm hạt. Dưới nền đất còn bày bán các loại thảo dược, hạt giống, cuốc xẻng. Người bán ít, người mua không nhiều, họ đến, dường như chỉ để gặp nhau, trò chuyện, uống chén rượu, ăn cùng nhau bát thắng cố rồi lại chia tay.

Vào tầm trưa, khách đến chợ khá đông. Tôi còn bắt gặp một chuyến xe ghi chữ “Lào Cai-Đak Nông” đang đậu ở bãi xe của chợ. Cũng phải, việc giao thương, về quê thăm người thân cũng đã trở thành nhu cầu bức thiết, điều này đòi hỏi dịch vụ nảy sinh để đáp ứng kịp thời. Tôi hỏi một vài người đi chợ, họ nói, ở quê mới, đất tốt, không phải trồng cây trên hốc đá nên làm ăn dễ hơn. Chỉ cần siêng năng là không sợ đói, nhưng nỗi niềm nhớ quê, thương người thân thì vẫn thường trực, canh cánh trong lòng…

Câu nói bất giác bảng lảng buồn như áng mây khi nắng lên bay nhanh về núi. Tôi nhớ, Gia Lai mình cũng có cộng đồng dân tộc ở một số tỉnh phía Bắc vào định cư, lập nghiệp. Bà con vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, cũng coi chợ phiên là nơi để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Vậy nên, tôi cho rằng, những chợ phiên như ở Đak Nông cần được quảng bá rộng rãi hơn. Qua đó, góp phần tạo sự gắn kết với các tour, tuyến, điểm, công ty du lịch để đánh thức tiềm năng của cao nguyên gió.

 

 TẠ NGỌC ĐIỆP
 

 

Có thể bạn quan tâm