(GLO)- Nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, văn hóa và những thành tựu kinh tế-xã hội của địa phương, huyện Đức Cơ dự kiến sẽ tổ chức chợ phiên kết hợp Liên hoan văn hóa cồng chiêng tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vào ngày 5-10 tới.
Quảng bá sản phẩm an toàn
Theo ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, đây là năm thứ 2 huyện Đức Cơ tổ chức chợ phiên nông sản an toàn. Nét mới của chợ phiên năm nay là kết hợp với Liên hoan văn hóa cồng chiêng. Đây là cơ hội quảng bá tiềm năng, thế mạnh và thành tựu kinh tế-xã hội của huyện, thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Chợ phiên lần này còn là dịp để cho các hộ nông dân, tiểu thương, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết với nhau cũng như thu hút du khách đến với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Theo kế hoạch, chợ phiên sẽ có khoảng 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống như: gùi, đàn trưng, chuông gió, thổ cẩm... cùng nhiều loại nông-lâm sản đặc trưng gồm: cà phê sạch, hạt điều rang muối, trái cây, rau các loại, măng rừng, mật ong rừng, dịch chuối... Các sản phẩm đều được đầu tư kỹ lưỡng về mẫu mã, có nhãn mác, địa chỉ, nguồn gốc cụ thể. Chị Nguyễn Thị Gấm-chủ cơ sở bóc tách rang hạt điều Hiệp Gấm (thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl) cho biết: Cơ sở đã được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ năm 2016. Trong năm 2018, mô hình chế biến, gia công hạt điều của cơ sở được lựa chọn để tham gia diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp” và phiên chợ nông sản an toàn huyện Đức Cơ. “Sau khi tham gia phiên chợ năm ngoái, sản phẩm của cơ sở đã được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Phiên chợ năm nay tiếp tục là cơ hội để quảng bá thương hiệu nên chúng tôi rất chú trọng đến mẫu mã và chất lượng sản phẩm”-chị Gấm vui vẻ chia sẻ thêm.
Học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ tập luyện cồng chiêng chuẩn bị cho liên hoan. Ảnh: L.N |
Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết thêm: Các sản phẩm tại chợ phiên phải được các hộ sản xuất ký cam kết đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Đây cũng là cơ hội tập hợp những sản phẩm chủ lực của huyện, có chất lượng tốt để giới thiệu, quảng bá, mời gọi nhà đầu tư liên kết bao tiêu, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP của huyện.
Góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng
Để chợ phiên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thêm hấp dẫn, phong phú, huyện Đức Cơ kết hợp tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng. Tham gia liên hoan có 10 đoàn đến từ các xã, thị trấn và Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Tại liên hoan, mỗi đoàn sẽ trình diễn một bài chiêng như: mừng chiến thắng, mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, lễ bỏ mả; một bài hòa tấu nhạc cụ; hát dân ca với nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu và tình yêu quê hương, đất nước.
Tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng, đoàn nghệ nhân xã Ia Krêl có hơn 40 người. Ông Rơ Mah Khơl (55 tuổi, làng Khóp), phụ trách đội cồng chiêng của xã-cho biết: “Xuất phát từ suy nghĩ phải làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tôi tự đứng ra tổ chức các lớp dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên trong làng. Năm 2010, tôi đã dùng số tiền dành dụm mua một bộ cồng chiêng trị giá 30 triệu đồng. Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy thế hệ trẻ trong làng từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng nay đã đánh thành thục nhiều bài chiêng trong lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, mừng nhà rông mới”.
Thầy Phạm Văn Lê-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ-thông tin: Hàng năm, nhà trường thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện tổ chức dạy đánh cồng chiêng cho học sinh thông qua các buổi ngoại khóa. Tham gia chợ phiên lần này, trường đã chọn ra 52 học sinh và phối hợp với Trung tâm hướng dẫn, tập luyện thêm cho các em về trình diễn cồng chiêng, múa xoang và hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Đây là cơ hội để các em giao lưu văn hóa và học hỏi thêm từ các nghệ nhân có kinh nghiệm.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quốc Anh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ-cho hay: Chợ phiên kết hợp với Liên hoan văn hóa cồng chiêng là cơ hội đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số. “Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Hy vọng du khách tham gia chợ phiên sẽ có những trải nghiệm thú vị”-ông Anh cho biết thêm.
LÊ NAM