Phóng sự - Ký sự

Chợ tình Xuân Dương và bí ẩn điệu hát sli - Kỳ 2: Vợ đưa chồng đi hát cùng "người cũ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi khi chợ tình vào phiên, bà Nông Thị Nguyện (thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) lại lặng lẽ mua quà rồi đem chia thành nhiều túi nhỏ đưa chồng, để chồng mang theo đi hát sli cùng “người cũ”. Bà bảo, ông ấy có nhiều “người cũ” lắm nên cũng phải chuẩn bị chu đáo mới đủ…
Mua quà cho "người cũ" của chồng
Ngôi nhà sàn của vợ chồng bà Nông Thị Nguyện nằm khuất sau một khúc quành, từ đường lớn nhìn sang chỉ thấy cánh đồng với những gốc rạ mờ sương.
Hôm nay, vợ chồng bà Nguyện cùng mấy nghệ nhân hát sli trong vùng sôi nổi ôn lại những cuộc sli ở chợ tình Xuân Dương ngày 25/3 âm lịch hàng năm. Tiếng nói cười rổn rảng vọng xuống cánh đồng, lan sang cả làng trên, xóm dưới.
Mùa xuân đã qua sàn, đâu đó đào phai đã nở. Cuộc sli với "người cũ" trong phiên chợ tình xuân sắp đến thật rồi, phải chuẩn bị chu đáo những câu sli ngọt môi, phải chuẩn bị những câu chào ý nhị, những tâm tư bấy lâu phải làm sao cho ngỏ được bằng lời…

Vợ chồng nghệ nhân Nông Văn Hồ trong ngôi nhà sàn của gia đình tại thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: C.H
Vợ chồng nghệ nhân Nông Văn Hồ trong ngôi nhà sàn của gia đình tại thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: C.H
"Xã Xuân Dương có chợ tình Xuân Dương gắn với nghệ thuật hát sli độc đáo của người Nùng. Thông qua hát sli, có thể thấy được sự cởi mở, lãng mạn và nhân văn trong tính cách của người Nùng nơi đây".
Ông Lâm Ngọc Du - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn
Rót tràn chén rượu mời khách đường xa, ông Nông Văn Hồ (chồng bà Nguyện) cười bảo, mấy chục phiên chợ tình rồi mà khi nào cũng hồi hộp, cũng như mới lần đầu. Giờ đã về với nhau, đến chợ không hát cùng vợ nữa mà hát cùng những "người cũ" thôi.
"Người cũ" của ông Nông Văn Hồ nhiều, nhiều đến mức nếu trí nhớ không tốt thật khó lòng mà nhớ hết cho được. Bởi ông là người sli giỏi có tiếng trong vùng, người lại to đậm, chắc khỏe như cây lim, cây sến giữa rừng già nên rất được các chị em mến mộ mà thầm thương, trộm nhớ.
"Tôi hát với rất nhiều người mà không lấy được nhau vì chỉ có thể chọn một. Do đó, mỗi năm chợ tình Xuân Dương vào phiên lại muốn gặp lại những "người cũ" của mình để hát. Vợ tôi cũng vậy, cũng hát sli với nhiều người chứ không phải một người đâu. Hát vui giao duyên tình cảm để hỏi về cuộc sống, con cái, những khó khăn, vất vả, chia sẻ những tâm tình, có thể có cả mong nhớ xa xôi nào đó" - ông Nông Văn Hồ bộc bạch.
Háo hức phiên chợ tình xuân
Nếu phiên chợ Tết của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn thường vào những ngày cuối năm thì phiên chợ tình của người Nùng ở xã Xuân Dương lại rơi vào sau Tết Nguyên đán.
Người đồng rừng xuống chợ không chỉ để bán mua mà còn để gặp nhau, để vui hẹn hò giao duyên. Đặc biệt là với phiên chợ tình xuân của xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn được tổ chức vào ngày 25/3 âm lịch hàng năm.
Người xưa kể, ở thôn Pác Sen, có vợ chồng thương yêu nhau hết mực. Khi mùa vụ sắp tới, vợ chồng cùng nhau ra đồng, mỗi người phát cuốc ở một đầu ruộng. Đến trưa, chồng gọi vợ về nghỉ, chỉ nghe tiếng u uôm từ núi đồi vọng lại. Chạy đến nơi người vợ, người chồng chỉ thấy cán dao gãy, cỏ cây nát, chứng tích của một cuộc vật lộn xô đẩy.
Sau người chồng mới biết vợ mình đã bị người xấu bắt đi, dù đã chống trả, kêu cứu nhưng vì ruộng dài, khoảng cách quá xa nên không nghe thấy để đến cứu vợ.

Các nghệ nhân và những người mê nghệ thuật hát sli của người Nùng cắt ruộng tìm đến nhà ông Nông Văn Hồ, thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng
Các nghệ nhân và những người mê nghệ thuật hát sli của người Nùng cắt ruộng tìm đến nhà ông Nông Văn Hồ, thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng
Thửa ruộng của vợ chồng nhà nọ có tên Nà Rì (ruộng dài), đó cũng là tên của huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) ngày nay.
Sau này, gặp lại chồng cũ, người vợ mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng chỉ biết ôm nhau khóc chứ không thể hàn gắn lại, bởi mỗi người đều đã có gia đình riêng của mình. Dân làng cảm động nên đồng ý để hai vợ chồng cũ có một ngày ôn lại chuyện xưa, đó là ngày 25/3 âm lịch.
Từ đó, ngày 25/3 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội giao lưu giữa nam nữ trong vùng, để những người lỡ duyên được gặp nhau, ôn lại tình cũ.
"Vợ chồng gặp nhau rồi, đã lấy nhau rồi thì thông cảm cho nhau để mình còn tranh thủ tỏ tình với "người cũ" một tí. Cô nhà chú cũng đồng ý mà" - ông Nông Văn Hồ khề khà nói.
Theo người dân ở xã Xuân Dương, những người vợ đảm thường chuẩn bị cho chồng rất chu đáo. Họ muốn khi chồng mình đi gặp "người cũ", đối phương yên tâm và không phải xót lòng về "người cũ" của mình.
Ông Nông Ngọc Thánh (thôn Cốc Càng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), từ khi vợ mất, ông đến chợ chỉ là để tìm và nhớ lại những cuộc sli mấy mươi năm trước cùng người vợ quá cố của mình. Im lặng đứng trong đêm vậy thôi cũng đủ để ông ấm lòng, ấm dạ. Đêm chợ tình Xuân Dương như là nốt lặng trong bản nhạc cuộc đời của ông Nông Ngọc Thánh.
Điều mà chúng tôi ấn tượng nhất chính là sự lãng mạn, cởi mở, tính nhân văn, nhân ái trong cộng đồng người Nùng nơi đây. Họ sẵn sàng, thậm chí chuẩn bị một cách chu đáo cho người chồng, người vợ của mình tham gia đêm chợ tình, gặp lại "người cũ" không chút lăn tăn, ngẫm ngợi. 
Theo Chiến Hoàng (Dân Việt)
https://danviet.vn/cho-tinh-xuan-duong-va-bi-an-dieu-hat-sli-ky-2-vo-dua-chong-di-hat-cung-nguoi-cu-20211213112122776.htm

Có thể bạn quan tâm