(GLO)- Trên vùng biển Quảng Ngãi, Bình Định, Tuy Hòa... mỗi ngày có đến vài chục chiếc tàu rẽ sóng đua nhau ra biển thu mua những mẻ lưới cá cơm còn tươi rói của ngư dân vừa đánh bắt.
Chợ trên biển, ngoài hàng hóa được bán mua rộn ràng còn có thêm những cột khói và những vệt sóng trắng xóa của chiếc thuyền chạy chợ. Lướt sóng cùng một con tàu thu mua của ngư dân ở Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) từ tờ mờ sáng, chúng tôi có được một ngày trải nghiệm với chợ di động khá hấp dẫn này.
Tàu thu mua cá cơm trên vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và Tam Quan (Bình Định). Ảnh: T.Đ |
Buổi sáng biển êm ả, sóng nũng nịu âu yếm mạn thuyền. Vệt nắng đầu ngày lấp ló tạo mảng sáng lấp lánh, óng ánh trên đầu những ngọn sóng. Lướt nhẹ trên biển, sóng và thuyền tạo một bức tranh tuyệt đẹp trong ánh bình minh. Đây là thời khắc giao thoa của đêm và ngày nên đất trời cũng đầy quyến luyến. Đến những ngư dân dày dạn với biển, cả đời ăn trên sóng, ngủ trên sóng này có lúc cũng phải ngỡ ngàng thốt lên: “Biển đẹp thật!”.
Tàu rẽ bình minh ra khơi, phía bờ cát đã dần khuất trên đầu con sóng. Xung quanh chỉ còn sóng nước, thấp thoáng những con thuyền đánh bắt cá đang bủa lưới ẩn hiện. Họ làm việc thâu đêm, dù trời không mưa nhưng lúc nào cũng mặc áo mưa để che sóng, cần mẫn, miệt mài đạp lên sóng, giành giật với biển để kéo lên những mảng lưới đầy ắp cá. Táo bạo, mạnh mẽ nhưng có lúc họ nhỏ bé giữa biển cả mênh mông, nhìn xa họ như một dấu chấm nhỏ trên rìa con sóng.
Khi những chiếc thuyền cùng kéo lưới liên kết lại sẽ tạo thành nửa vòng nguyệt, vẽ một đường cong lả lơi trên biển. Mỗi lần kéo lưới, chiếc thuyền chênh chao như cô gái quê e thẹn kéo nghiêng vành nón trước con sóng mơn man gợi tình. Những tấm lưới tạo hình như bức rèm dịu dàng thả xuống từ trời xanh, che đậy một cuộc tình trên biển cả.
Ngư trường cá cơm chỉ cách bờ vài chục hải lý, tàu thu mua nhiều nên sự cạnh tranh cũng khá căng thẳng. Thoáng thấy chiếc tàu nghiêng ngả đang dồn sức kéo lưới, vài chiếc tàu thu mua vội nhấn ga bám tới. Mặc dù tranh nhau gay gắt nhưng có một quy định như đã khắc trên ngọn sóng, đó là cập thuyền theo thứ tự, tàu tới trước phải kéo dây neo cho tàu đến sau. Đó là hành động thân thiện duy nhất và bắt buộc dù sau đó cùng tranh giành, cãi vã trong những cuộc bán mua.
Mẻ lưới cá cơm vừa được kéo lên, cá búng nhảy bắn ra chi chít những tia nước nhỏ, ánh lên vệt sáng lóng lánh trong nắng mặt trời tạo sắc màu cầu vồng đẹp đến lạ kỳ. Cá được bắt vào thùng nhựa gọi là két (đơn vị dùng để mua bán). Tiếng mặc cả lẫn trong sự ầm ào của sóng nhưng diễn ra chóng vánh. Những thùng cá được đưa vào hầm đá nhanh chóng để giữ độ tươi. Mua xong một mẻ lưới, tàu lại mở máy đi tìm một mẻ khác. Cứ thế cho đến khi cá được chất đầy hầm đá. Cá cơm vùng biển miền Trung ngọt, làm mắm ngon nên được ưa thích hơn các nơi khác.
Giờ nghỉ trên biển cũng thật lý thú. Một người nấu cơm, còn lại ai nấy đều lấy cần ra câu cá. Chưa được nửa giờ, khi nồi cơm chín tới, hơn chục con cá tươi rói vừa câu lên được luộc chấm nước mắm ngọt lịm. Bữa cơm trên sóng cũng lạ lùng, cứ chao chao, nghiêng nghiêng. Ăn xong, con thuyền lại rảo tìm mua cá trên biển. Buổi chiều, sóng thường mạnh hơn. Mũi thuyền hết chúi xuống lại ngóc lên, những con sóng đập mạnh vào mạn thuyền, con sóng vỡ ra tung nước phủ lên cả thân tàu. Có lẽ biển dỗi hờn vì tàu cứ quần quật với công việc mà không quan tâm gì đến biển. Vậy nhưng, ngay cả trên đường về, người trên tàu cũng không kịp nghỉ vì phải sắp xếp cá, rửa tàu cho sạch cho đến khi cập vào bờ.
Một ngày hòa mình vào biển mới thấy biển phần nào chịu thổ lộ chút bí ẩn, sự hào phóng cũng như tâm sự của chính mình.
Trường Đăng