Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra lợi dụng quyền lợi, trách nhiệm của mình để nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây thiệt hại kinh tế, cản trở đầu tư diễn ra khá phổ biến. Để hạn chế tối đa tình trạng này, Chính phủ cần có cơ chế giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra thật chặt chẽ.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng nay (20/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nguyên tắc điều hành, quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự; chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm; giảm số lượng và tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết ngăn chặn hiệu quả vấn đề "tham nhũng vặt" trong hệ thống hành chính nhà nước.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng việc có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra lợi dụng quyền lợi, trách nhiệm của mình để nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây thiệt hại kinh tế, cản trở đầu tư diễn ra khá phổ biến. Để hạn chế tối đa tình trạng này, Chính phủ cần có cơ chế giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra thật chặt chẽ, chứ chọn người có đạo đức thì rất khó.
Theo luật sư, công tác thanh tra, kiểm tra là chức năng cơ bản của nhà nước cần phải triển khai, thực hành để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh khu vực, quốc tế. Tuy nhiên, cách thực hiện như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp là một yêu cầu lớn và nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương.
Phân tích sâu vào vấn đề này ông Đức cho rằng, quan trọng nhất là Chính phủ cần có biện pháp kiểm tra, giảm sát quản lý thanh tra, tránh để tình trạng giao quyền nhưng không trực tiếp giám sát, dẫn đến tình trạng những người tiến hành thanh tra sai phạm của người khác lại chính là người sai phạm.
"Bắt dân nghiêm khắc một thì phải giám sát quan gấp 3 lần nghiêm khắc hơn. Khi có kết quả thanh tra kiểm tra cần công khai minh bạch để người bị thanh tra tranh luận, thậm chí cho luật sư vào cuộc để bào chữa quyền lợi, quan điểm của mình", ông Đức nhấn mạnh.
Đồng thời, đối với những trường hợp chí công vô tư, sai phạm không rõ ràng, không cố tình sai phạm, chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì nên nhắc nhở, chứ không thể nào quy kết tội lỗi được. Trong nhiều thời điểm người đứng đầu, có trách nhiệm cần phải quyết định để công việc, thể chế được tiến hành và hoàn thiện, còn nếu như tham ô tham nhũng thì một đồng cũng cần xử lý mạnh tay.
Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, việc công khai minh bạch kết quả còn giúp doanh nghiệp khác thấy cái sai, rút kinh nghiệm. Bản thân người bị tội nhận thấy lỗi lầm của mình một cách tâm phục khẩu phục.
Ngoài ra, những cán bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra phải rất thận trọng trong quá trình, thay vì kết luận sai thì cần xem lại, mọi ý kiến đều cần dựa trên điều khoản rõ ràng, phân tích có tình có lý. Người có tội phải chịu tội, song, người oan khuất cũng cần được bảo vệ, chứ không thể chỉ để đoàn thanh tra có ý kiến với nhau. Tránh tình trạng có lợi ích nhóm, bắt tay đi đêm, bao che với nhau để che dấu tội lỗi.
"Nếu để tình trạng này xảy ra thì cái sai sẽ ngày càng nhân rộng lên với nhau, hôm nay sai một, ngày mai sai mười. Ỷ lại có người bảo kê, lo lót được tội trạng nên ngày càng phạm những lỗi lầm nặng nề hơn. Đơn giản như tình trạng vi phạm giao thông, một lần vi phạm anh xin được, lần sau anh chung chi được thì càng ngày anh càng vi phạm nhiều", ông Đức cho hay.
Quang Dân (Dân Việt)