Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu

Để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng trị giá 82 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tổng lượng hàng dự trữ gồm: 51 ngàn thùng mì tôm; 70 tấn bột ngọt; 54 tấn hạt nêm; 72 ngàn lít dầu ăn; 203 ngàn lít nước mắm, nước tương; 1.000 thùng cá hộp; 2.500 thùng xúc xích, các loại sữa, nước uống, thực phẩm và các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác.

Ông Trịnh Xuân Vỹ-Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai-cho biết: “Công ty có hơn 30 đầu xe tải phục vụ bán hàng lưu động khắp các địa bàn trong tỉnh. Thời điểm này, lượng hàng hóa phục vụ Tết đã bắt đầu nhập kho. Khi xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, Công ty có điều chỉnh ngành hàng và khu vực thị trường. Hiện giá một số mặt hàng có tăng nhưng không đáng kể.

Để đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa trong những ngày giáp Tết, Công ty sẽ tăng cường thêm nhân lực và phương tiện để phục vụ nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá”.

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Thời điểm này, các siêu thị cũng đã chuẩn bị chu đáo nguồn hàng hóa dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm. Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ marketing Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng Tết trị giá 115 tỷ đồng. Trong đó, tập trung nguồn hàng chủ yếu vào các nhóm thực phẩm tươi sống; thực phẩm công nghệ; lương thực; nước giải khát; bánh, kẹo, mứt; hóa phẩm; sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; đồ dùng gia đình; hàng may mặc…

“Để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập vào, đơn vị tăng cường tần suất kiểm tra gấp 2-3 lần so với ngày thường. Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết được kiểm tra chất lượng ngay tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi đưa lên quầy kệ siêu thị”-bà Trinh thông tin thêm.

Với dự báo tình hình nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị cùng các chủ thể kinh doanh thương mại, dịch vụ khác thuộc các thành phần kinh tế đã chủ động dự trữ một số mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị khoảng 17.385 tỷ đồng.

Trong đó, các doanh nghiệp có lượng hàng hóa dự trữ lớn như: Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên 258,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí PVOil miền Trung-Chi nhánh Gia Lai 118,2 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Toàn Trung 110 tỷ đồng; WinMart Pleiku 41 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên 32,8 tỷ đồng…

Bình ổn thị trường gắn với kích cầu tiêu dùng

Thời điểm này, công tác dự trữ hàng hóa được các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai. Ông Ngô Trọng Duy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên COMEXIM Chư Sê-thông tin: “Công ty phân phối sữa Vinamilk và các sản phẩm mì ăn liền, nước mắm tại các điểm bán ở thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, Ia Pa.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Ất Tỵ 2025, Công ty tăng lượng dự trữ hàng hóa 50% so với các tháng bình thường trong năm. Tổng trị giá hàng hóa dự trữ đến cuối tháng 12 ước đạt 35 tỷ đồng”.

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: V.T

Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Công văn số 2767/UBND-KTTH về việc triển khai công tác quản lý, điều hành giá dịp Tết Nguyên đán 2025. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ngành, căn cứ chức năng nhiệm vụ theo dõi biến động, nắm bắt thông tin về cung cầu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đối với một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. Đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.

Để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp cuối năm, Sở Công thương đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tích cực chuẩn bị nguồn hàng, trong đó tập trung vào mặt hàng thiết yếu, bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả hợp lý.

Đồng thời, theo dõi diễn biến thị trường, biến động giá để tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời nhằm không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến.

Bên cạnh đó, Sở Công thương vận động các siêu thị, doanh nghiệp tích cực phối hợp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để kích cầu tiêu dùng, nhất là những ngành hàng thiết yếu. Đồng thời, Sở Công thương cũng đề nghị Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai tham gia đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa.

Có thể bạn quan tâm