Chủ động với môn Giáo dục công dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lần đầu tiên môn Giáo dục công dân (GDCD) được đưa vào làm môn thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 bằng hình thức thi trắc nghiệm. Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều phương pháp trong công tác dạy và học môn GDCD, tạo sự chủ động, thích thú cho học sinh.

Một tiết học GDCD của Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê).  Ảnh: N.T

Tiết học GDCD của Trường THPT Trần Cao Vân (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) trở nên sôi nổi khi cả thầy và trò cùng tham gia thảo luận về vấn đề thời sự. Học sinh được thể hiện suy nghĩ, cách nhìn nhận của mình trước một vấn đề trong cuộc sống như: vấn đề xăm trổ trên mình của giới trẻ, hiện tượng thần tượng ca sĩ... hay những vấn đề liên quan đến pháp luật. Thầy Bùi Quang Vinh-Hiệu trưởng, giáo viên phụ trách môn GDCD Trường THPT Trần Cao Vân cho biết: Học sinh rất thích thú với môn học này. Ngay từ đầu năm học, tôi đã triển khai dạy, kiểm tra cho học sinh theo hình thức 70% trắc nghiệm, 30% tự luận. Đồng thời tăng thêm 1 tiết trong tuần để các em ôn tập. Thế nên khi môn GDCD được chọn làm môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia, học sinh của trường không bất ngờ, thích ứng nhanh với các bộ đề thi”.

Đồng quan điểm trên, cô Lê Thị Tuyết Thu-giáo viên dạy môn GDCD Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku) nhận định: “Môn GDCD sẽ giúp cho học sinh tăng cường bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, đồng thời làm giảm bạo lực học đường. Đây cũng là môn học phát huy những lợi thế như dễ tiếp cận, ghi nhớ cho học sinh vì nội dung học đều liên quan trực tiếp đến đời sống thực tiễn. Bản thân tôi cũng phải tự nghiên cứu tài liệu, cách dạy để giúp học sinh củng cố kiến thức, làm quen với hình thức ra đề theo quy định của Bộ GD-ĐT. Học sinh cũng tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để trao đổi cùng bạn bè, thầy cô”.

Để chuẩn bị tài liệu giảng dạy cho môn học này, thầy Phạm Văn Đại-Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Giáo án giảng dạy và bộ đề ôn thi môn GDCD đang được các giáo viên trong trường cẩn thận xây dựng. Nhà trường mở các cuộc Hội thảo về phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội nhằm củng cố, trao đổi kiến thức giữa các giáo viên trong trường với các trường khác để có làm phong phú thêm ngân hàng đề trắc nghiệm đối với môn này. Đồng thời, tăng cường thêm các tiết học và sau các tiết học xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh quen với cách thi mới, đảm bảo đủ lượng kiến thức cho học sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới”.

Về phía học sinh, nhiều em không cảm thấy lo lắng mà tỏ ra rất thích thú với quyết định này của Bộ GD-ĐT. Em Hồ Thị Hảo (lớp 12A, Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê) hào hứng nói: “Đối với môn GDCD, em thực sụ thấy thích thú. Môn học này giúp kỹ năng sống của em được cải thiện, giúp em am hiểu pháp luật hơn, tự tin trong giao tiếp. Vì thế em rất hào hứng và tự tin với môn thi này trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến”.

 

Học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề xã hội và trao đổi trực tiếp với giáo viên. Ảnh: N.T

Còn với em Nguyễn Trương Anh Khoa (lớp 12C6, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, TP. Pleiku), môn học này đã giúp em tự học, nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến xã hội, em Khoa chia sẻ: “Đề thi mẫu do Bộ GD-ĐT tập trung chủ yếu vào phần kiến thức pháp luật như quyền bảo hộ về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của công dân. Bên cạnh đó, đề còn có nhiều câu hỏi tình huống có liên quan đến xã hội rất gần gũi với thực tế cuộc sống em rất dễ liên hệ, vận dụng. Bản thân em cũng được trau dồi kiến thức, rèn luyện tình thần tự học, tìm kiếm thông tin và trao đổi với thầy cô, các bạn trong lớp”.

Đối với môn thi “mới tinh” trong kỳ thi THPT quốc gia này, ngay khi có quyết định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã chủ động đồng bộ các giải pháp nhằm chỉ đạo các trường THPT tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết: Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh học tập, nghiên cứu kỹ phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Chỉ đạo các trường phải có cách dạy phù hợp hình thức thi trắc nghiệm, các cụm sinh hoạt chuyên môn tập trung bàn về cách dạy, học về môn học này sao cho hiệu quả. Đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường trong toàn tỉnh phải soạn đề thi gửi về Sở GD-ĐT, Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp đề thi, soạn và gửi lại cho các trường và giáo viên dạy môn GDCD tham khảo. Đây là nguồn câu hỏi quý giá giúp cho giáo viên không còn bỡ ngỡ, giúp cho việc dạy và học được tốt và chủ động hơn, đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm