Có nên duy trì việc viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo và công văn hướng dẫn thực hiện của Sở Giáo dục-Đào tạo, từ năm 2012 đến nay, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục đều phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Sáng kiến kinh nghiệm được xem như một đề tài khoa học và là tiêu chí để bình xét thi đua cuối năm. Hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng của ngành  quy định: 15% trên tổng số cán bộ, giáo viên bắt buộc phải đăng ký và viết sáng kiến kinh nghiệm thay cho đề tài khoa học sẽ được Hội đồng khoa học nhà trường chọn, chấm điểm, bình xét để đề nghị cấp trên thẩm định và công nhận đạt chuẩn làm tiêu chí đánh giá chiến sĩ thi đua cơ sở.
 

Có nên duy trì việc viết sáng kiến kinh nghiệm. Ảnh: Đ.T
Có nên duy trì việc viết sáng kiến kinh nghiệm. Ảnh: Đ.T

Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ đến thời điểm này, việc chọn đề tài, viết, nộp thẩm định sáng kiến kinh nghiệm sẽ được tiến hành theo một quy trình khép kín đối với tất cả cán bộ, giáo viên các trường học từ Mẫu giáo đến bậc THPT. Theo quy định, một sáng kiến kinh nghiệm hoàn chỉnh của giáo viên cũng phải đầy đủ số trang, các phần mở đầu, nội dung, kết luận... không khác gì luận văn tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng quá trình thực hiện lại nảy sinh rất nhiều điều bất cập.

Cô Lê Thị Lương Duyên-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho rằng: “Quy định của cấp trên thì phải làm chứ chúng tôi thấy nó hình thức quá, không thực chất, không hiệu quả, lại rất lãng phí. Năm nào cũng làm thì lấy đâu ra sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt”. Trong khi đó, thầy Đào Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ thì thừa nhận: “Việc thành lập hội đồng chấm, chọn, bình xét, đề nghị cấp trên thẩm định mất rất nhiều thời gian. Cùng với đó, việc khống chế 15% trong tổng số sáng kiến kinh nghiệm để bình xét chiến sĩ thi đua và áp dụng vào thực tiễn là rất khó. Theo tôi nên giãn ra 3-5 năm một lần chọn, viết sáng kiến kinh nghiệm để có thời gian chú tâm nghiên cứu áp dụng thực tiễn sẽ hiệu quả hơn”.  

Trao đổi với chúng tôi, nhiều giáo viên cho rằng họ đang phải chịu rất nhiều áp lực và một trong những áp lực đó là bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm. Mới vào đầu năm học, giáo viên còn chưa biết tình hình học sinh ra sao thì đã phải đăng ký đề tài sáng kiến kinh nghiệm. Hơn thế nữa, việc năm nào cũng phải viết thì khó có thể tìm ra một sáng kiến kinh nghiệm chất lượng. Vì vậy, nhiều giáo viên đối phó bằng cách nghĩ đại ra một đề tài gì đó cho xong. Người nào “nặn” ra sáng kiến kinh nghiệm không xong thì đành lên mạng sao chép, sửa đổi vài câu chữ rồi điền tên mình vào đó.

Cũng vì sáng kiến kinh nghiệm quá nhiều nên Hội đồng khoa học rất khó đánh giá một cách thực chất. Cô Võ Thị Nương-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa My (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đề nghị: “Theo tôi, ngành nên chuyển việc viết sáng kiến kinh nghiệm thành một hội thi, sau đó bình chọn trao giải, đăng báo, tạp chí để mọi người tham khảo, học tập. Đối với sáng kiến nào có thể áp dụng vào thực tiễn được thì chọn áp dụng và nhân rộng. Việc viết sáng kiến kinh nghiệm nên tách bạch ra khỏi vấn đề bình xét thi đua. Bình xét thi đua phải dựa trên cơ sở mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao và các mặt công tác, đạo đức của mỗi người thì sẽ thực chất hơn chứ không nên dàn trải như hiện nay”.

Gia Cư

Có thể bạn quan tâm