(GLO)- Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là nhiệm vụ được Trường Tiểu học Cao Bá Quát (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) chú trọng thực hiện trong những năm gần đây. Với việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt của các em được tăng cường, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Ngày hội giao lưu tiếng Việt của Trường Tiểu học Cao Bá Quát. Ảnh: H.T |
Đến thăm Trường Tiểu học Cao Bá Quát, chúng tôi khá bất ngờ về kết quả học tập của các em đang theo học tại đây (toàn trường có 268 học sinh người Jrai và 2 học sinh người Kinh) nhưng kết quả học tập học kỳ I năm học 2016-2017 có gần 100% học sinh được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành tốt chương trình. Cô Châu Nguyễn Li Na-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát cho biết: Để đạt được kết quả này, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như: duy trì sĩ số, tăng cường dạy tiếng Việt, bồi dưỡng học sinh khá, phụ đạo học sinh yếu... Trong đó, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh đã có tác động tích cực trong việc giúp các em tiếp thu bài tốt hơn.
Chia sẻ về những giải pháp tăng cường Tiếng Việt có hiệu quả cho học sinh, cô Na cho biết, do gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số nên khả năng nói, viết tiếng Việt của các em còn yếu, đặc biệt là đối với trẻ mới vào lớp 1. Do vậy, ngay từ đầu năm, nhà trường đã phân loại khả năng tiếng Việt của học sinh để có phương pháp tăng cường tiếng Việt phù hợp theo từng đối tượng. Bên cạnh đó, nhà trường đã dành 2 tuần học đầu tiên để dạy chương trình giáo dục công nghệ cho các em mới vào lớp 1 và 1 tuần để dạy chương trình tiếng Việt hiện hành cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Tại đây, ngoài được hướng dẫn nói tiếng Việt, các em còn được học về ký hiệu biểu ngữ để tăng cường khả năng nghe, hiểu tiếng Việt, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1 và lớp 2.
Song song với quá trình dạy học, giáo viên tăng cường cho học sinh kỹ năng đọc, viết đối với môn tiếng Việt và triển khai cho học sinh trả lời các câu hỏi đối với các môn học còn lại nhằm tăng khả năng nói tiếng Việt cho các em. Đặc biệt, việc dạy các em chào hỏi, tạo điều kiện cho các em tham gia các buổi văn nghệ, sinh hoạt Đội, các buổi tập thể dục còn giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Ngoài ra, một việc làm hết sức có hiệu quả được nhà trường tổ chức thực hiện trong nhiều năm qua để nâng cao khả năng đọc tiếng Việt cho học sinh là tăng cường đọc truyện thiếu nhi. Hàng tuần, nhân viên thư viện mang truyện đến các điểm trường để các em được tiếp cận với truyện thiếu nhi vào các giờ ra chơi hoặc mượn mang về nhà đọc nhằm có thêm cơ hội rèn luyện tiếng Việt.
Đặc biệt, chương trình giao lưu tiếng Việt do nhà trường tổ chức mới đây cũng đã cho thấy khả năng nói tiếng Việt của học sinh khá rành mạch khi các em giới thiệu điểm trường làng mình đang theo học, thể hiện sự hiểu biết về các kiến thức đã học và năng động, nhanh nhẹn, tự tin trong biểu diễn văn nghệ, tham gia trò chơi. Thông qua chương trình học và chương trình ngoại khóa, học sinh toàn trường có thêm động lực để đến trường và tích cực học tiếng Việt. Ngoài ra, để các em nói tiếng Việt tốt hơn, các giáo viên luôn gần gũi, chia sẻ và động viên phụ huynh thường xuyên giao tiếp ở nhà bằng tiếng Việt để tăng cường khả năng nói, nghe, hiểu tiếng Việt cho con em mình.
Đánh giá về hiệu quả của việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh của Trường Tiểu học Cao Bá Quát, bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Prông cho biết: “Ngoài triển khai các nội dung chỉ đạo của Phòng về việc dạy tiếng Việt cho học sinh ở trường, Trường Tiểu học Cao Bá Quát còn chủ động tìm ra các giải pháp mới để tăng cường khả năng tiếng Việt cho học sinh. Nhờ đó, khả năng tiếp thu bài của học sinh tốt hơn, hiệu quả học tập cao hơn. Đặc biệt, những giải pháp này của nhà trường còn tạo hứng thú cho học sinh chăm chỉ đến lớp, góp phần quan trọng vào việc duy trì sĩ số học sinh”.
Hồng Thương