Ngoại khóa-Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, huyện Kbang luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh bậc Tiểu học, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh các giải pháp như xây dựng văn hóa đọc, tăng cường kỹ năng chính tả, nghe và viết…, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện cả về “đức-trí-thể-mỹ”.

Mạnh dạn đổi mới

Tưởng chừng như cuộc chơi, song hoạt động ngoại khóa lại là một trong những mảng giáo dục không kém phần quan trọng, góp phần tạo sự yêu thích đến trường, đến lớp cho học sinh. Đặc biệt, với một huyện có đông học sinh dân tộc thiểu số như Kbang, đây chính là vấn đề hết sức cần thiết. Nhận thức được điều ấy, ngay từ năm học trước, ngành giáo dục huyện đã mạnh dạn đổi mới chương trình ngoại khóa trong trường học về cả nội dung lẫn hình thức, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Các chương trình ngoại khóa thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh: Hồng Thi
Các chương trình ngoại khóa thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh: Hồng Thi

Giao lưu aerobic và khiêu vũ thể thao là 2 loại hình được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang lựa chọn để thực hiện thí điểm tại 6 trường tiểu học thuộc cụm xã Đak Rong trong năm 2016, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đến năm học này, số đơn vị đăng ký đã tăng lên 14 trường.

Cứ đến tháng 1 hàng năm, hoạt động giao lưu aerobic và khiêu vũ thể thao giữa các trường lại trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp từ thị trấn đến tận vùng sâu vùng xa. Những cô cậu học trò mới chỉ 7-10 tuổi nhưng nhảy nhót, khiêu vũ theo nhạc chẳng khác gì vũ công nhí thực thụ, được đào tạo bài bản từ các “lò dancer” ở những thành phố lớn. Còn huấn luận viên của các bé, nếu không tận mắt chứng kiến, chắc khó ai có thể tin đó lại chính là những thầy cô giáo trước giờ chỉ biết đứng trên bục giảng. Hầu hết họ đều không am hiểu hay có kỹ thuật về nhảy hay khiêu vũ mà phải lên internet tự học rồi dạy lại cho các trò.

Không chỉ rèn luyện sức khỏe, hoạt động ngoại khóa còn tạo cho các em nhỏ một sân chơi giao lưu lành mạnh, bổ ích. Ảnh: Hồng Thi
Không chỉ rèn luyện sức khỏe, hoạt động ngoại khóa còn tạo cho các em nhỏ một sân chơi giao lưu lành mạnh, bổ ích. Ảnh: Hồng Thi

Em Đinh Thị Tiên-học sinh lớp 5, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong hào hứng: “Tham gia trong đội aerobic của trường, em rất vui. Tập aerobic, em vừa rèn luyện sức khỏe vừa được gặp gỡ, giao lưu với các bạn trường khác nữa. Giờ các bạn em, ai cũng thích đến trường để học và vui chơi”.

Đẩy mạnh phong trào

Từ những thành công bước đầu ấy, ngành giáo dục huyện Kbang đã triển khai thêm nhiều chương trình ngoại khóa khác trong năm học 2016-2017 như: giao lưu Tiếng Việt, giao lưu Tiếng Anh, trải nghiệm sáng tạo…; đồng thời đa dạng hơn các hình thức hoạt động.

Anh Vũ Tiến Bình-chuyên viên phụ trách bậc Tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang, cho biết: Nếu chương trình giao lưu Tiếng Việt, giao lưu Tiếng Anh mở ra môi trường giao tiếp thuận lợi, giúp các em phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp cũng như mở mang tầm hiểu biết, thì những cuộc thi như: aerobic, khiêu vũ thể thao, bóng đá mini… lại tạo ra sân chơi để các em rèn luyện sức khỏe, độ dẻo dai, khéo léo và nhanh nhẹn. Ngoài ra, hoạt động trải nghiệm sáng tạo dưới hình thức “Hội chợ tuổi thơ” còn tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để giáo dục kỹ năng sống và giúp học sinh vận dụng kiến thức được học trên sách vở vào thực tiễn cuộc sống.

Một góc chương trình “Trải nghiệm sáng tạo”-Hội chợ tuổi thơ. Ảnh: Hồng Thi
Một góc chương trình “Trải nghiệm sáng tạo”-Hội chợ tuổi thơ. Ảnh: Hồng Thi

Cũng theo anh Bình, với số tiền thu được từ “Hội chợ tuổi thơ”, các trường sẽ trích một phần để ủng hộ những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, còn lại dùng để mua truyện tranh nhằm xây dựng văn hóa đọc cho các em. Vừa qua, một số trường đã tổ chức hiệu quả chương trình này với nguồn quỹ thu về tương đối khá như: Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Sơn Lang (mỗi trường 30 triệu đồng); Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (65 triệu đồng); Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, xã Đak Hlơ (20 triệu đồng)…

Riêng chương trình giao lưu Tiếng Việt, 100% học sinh Bahnar bậc tiểu học trên địa bàn huyện Kbang đều được tham gia. Sau khi tổ chức ở cấp trường cho 5 khối lớp, các trường sẽ bắt đầu tham gia chương trình giao lưu cấp huyện dành riêng cho khối lớp 5. Đây là hoạt động được nhiều giáo viên lẫn phụ huynh đánh giá cao vì đã góp phần rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số và tạo ra được tinh thần thi đua lành mạnh giữa các trường.

100% học sinh dân tộc Bahnar bậc Tiểu học trên địa bàn huyện đều tham gia chương trình Giao lưu Tiếng Việt. Ảnh: Hồng Thi
100% học sinh dân tộc Bahnar bậc Tiểu học trên địa bàn huyện đều tham gia chương trình Giao lưu Tiếng Việt. Ảnh: Hồng Thi

Nói về hoạt động ngoại khóa của đơn vị mình, Thầy Tôn Long Lộc-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Kbang) cho hay: “Nhằm góp phần nâng cao chất lượng học tập cho học sinh, giữa tháng 3 vừa qua, Nhà trường đã ra mắt 3 câu lạc bộ gồm: Toán, Tiếng Anh và Nghệ thuật-Thể dục thể thao. Trong đó, CLB Nghệ thuật-Thể dục thể thao có các môn: aerobic, khiêu vũ, bóng đá, võ thuật và mỹ thuật, tập hợp đa số những học sinh có năng khiếu, sự đam mê để bồi dưỡng, phát triển”. 

Còn thầy Dương Văn Phúc-Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong thì phấn khởi nói: “Nhờ các hoạt động ngoại khóa mà 100% học sinh Bahnar trong trường đã tự tin thể hiện bản thân trước đám đông, có điều kiện để rèn luyện và nâng cao kỹ năng trong học tập lẫn cuộc sống. Các em có được sân chơi lành mạnh, sôi động để tham gia, mở mang tầm hiểu biết, giảm bớt tình trạng quậy phá, vi phạm kỷ luật như những năm trước”.

Có thể nói, các hoạt động ngoại khóa do ngành giáo dục huyện Kbang phát động và triển khai trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt, trong đó dễ nhận thấy nhất là việc duy trì sĩ số học sinh, nhiều học sinh bán trú đã thích ở lại trường hơn về nhà. “Vấn đề nan giải nhất của huyện bây giờ là nguồn kinh phí quá hạn hẹp, trong khi sự hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp… hầu như giảm dần trong bối cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô chương trình ngoại khóa trên tinh thần khắc phục hạn chế, yếu kém và phát huy các hoạt động đạt hiệu quả trong những năm học tiếp theo”- Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang Hoàng Thị Quế khẳng định.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm