Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể: Còn nhiều băn khoăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố cùng thời gian áp dụng dự kiến là năm học 2018-2019 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của những người làm giáo dục. Đa số ý kiến cho rằng, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên hiện nay chưa thể đáp ứng được những đổi mới mà bản dự thảo này đưa ra.

Bộ GD-ĐT tiếp tục lấy ý kiến dư luận và các cơ sở giáo dục góp ý cho dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đến hết ngày 20-5. Sau đó, Bộ sẽ tiến hành chỉnh sửa cho phù hợp và bắt đầu từ năm học 2018-2019, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ được triển khai trong cả nước cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Nhiều điểm mới tiến bộ

 
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giúp học sinh tiếp cận nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp. Ảnh: Đức Thụy
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giúp học sinh tiếp cận nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp. Ảnh: Đức Thụy

Giảm số môn học, không quy định cứng thời gian từng môn, việc dạy ngoại ngữ có thể bắt đầu từ lớp 1, lớp 10 học sinh được định hướng nghề nghiệp... là những điểm mới của dự thảo chương trình phổ thông tổng thể được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với nhu cầu đổi mới căn bản giáo dục. Ngoài ra, chương trình mới không đóng khung trong một bộ sách giáo khoa mà áp dụng chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách”. Trong thời lượng của chương trình cũng dành 2 tuần một năm cho nội dung giáo dục của địa phương. Hệ thống các môn học của dự thảo chương trình mới gồm môn học bắt buộc, môn bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Đánh giá về những điểm mới tiến bộ của dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở GD-ĐT nói: “Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc; trong đó xuất hiện các môn tự chọn mới, cho học sinh thêm nhiều lựa chọn mới và giúp phân hóa, hình thành nhận thức, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc học thấp nhất”.

Cụ thể, ở bậc Tiểu học, học sinh phải học bắt buộc 8 môn gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, học sinh còn có hoạt động tự học có hướng dẫn.

Ở bậc THCS, số môn học giảm xuống còn 6 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Trong môn học bắt buộc có phân hóa, ngoài Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh bắt đầu được hướng nghiệp với môn Công nghệ và Hướng nghiệp.

Ở bậc THPT, lớp 10 được xác định là lớp dự hướng nghề nghiệp. Do đó, nội dung bắt buộc sẽ có thêm môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật, chủ yếu giới thiệu kiến thức về kinh tế, pháp luật để học sinh định hướng công việc cho mình. Lớp 11-12, học sinh học bắt buộc 6 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ba môn cuối trong số này đều học thực hành. Các em được chọn 3 môn và một chuyên đề học tập trong các môn tự chọn bắt buộc gồm: Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập. Như vậy, việc học sinh tự lựa chọn các môn học, phần học theo sở thích, nguyện vọng của bản thân sẽ giúp các em cảm thấy hứng thú và giảm áp lực học tập.

Còn nhiều băn khoăn

 

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh trong giờ thí nghiệm. Ảnh: Đức Thụy
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh trong giờ thí nghiệm. Ảnh: Đức Thụy

Chương trình giáo dục mới quy định học sinh Tiểu học phải học 2 buổi/ngày; nhiều môn học tự chọn chỉ học thực hành hay nhiều môn học mới như Thiết kế và Công nghệ, Khoa học máy tính... đòi hỏi cao về cơ sở vật chất khiến nhiều người tỏ rõ sự băn khoăn. “Với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay thì chưa thể đáp ứng được chương trình mới, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Khi chưa đủ điều kiện mà chương trình mới vẫn được áp dụng thì sẽ không đạt được kết quả. Do đó, tôi cho rằng việc đổi mới này cần có một lộ trình và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất”-ông Huỳnh Minh Thuận bày tỏ.

Chương trình tổng thể hướng tới giúp học sinh hình thành và phát triển 6 phẩm chất: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực được đặt ra cho người học ở chương trình mới gồm: tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo. Về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng khó có thể áp dụng cho học sinh dân tộc thiểu số. Thầy Hoàng Văn Tùng-Hiệu trưởng Trường THCS Ia Ka (xã Ia Ka, huyện Chư  Pah) cho biết: “Trường chúng tôi có tới hơn 90% học sinh dân tộc thiểu số và đa số là thầy cô phải bắt các em học chứ tinh thần tự giác rất ít nên tôi cho rằng về nội dung tự chủ và tự học chỉ phù hợp với những học sinh ham học nên cần xem xét lại để đặt ra năng lực phù hợp cho người học”.

Ông Mai Văn Sơn-Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Nhìn chung, những nội dung của dự thảo chương trình phổ thông tổng thể có nhiều điểm phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại mới. Tuy nhiên, cần xây dựng chương trình cụ thể của từng bậc học với lộ trình rõ ràng, khoa học, trong đó có quy định thời gian bắt đầu, kết thúc và chuẩn kiến thức đạt được của môn học nên việc năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình mới trong cả nước là khó thực hiện. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên hiện nay cũng không đủ để thực hiện chương trình phổ thông mới”.

 Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm