Chư Prông nâng cao chất lượng giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Prông là huyện có trên 47% là học sinh dân tộc thiểu số. Trước đây, nhiều phụ huynh thường có thói quen đưa con em mình lên rẫy để tiện sinh hoạt nên ảnh hưởng rất lớn việc học tập của các em. Do đó, để duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Prông đã có sự nỗ lực rất lớn.

 Giáo viên luôn gần gũi, tận tình chỉ bảo học sinh. Ảnh: H.T
Giáo viên luôn gần gũi, tận tình chỉ bảo học sinh. Ảnh: H.T

Năm học 2016-2017, toàn huyện Chư Prông có 64 trường công lập từ Mầm non đến THCS với 961 lớp và 68 nhóm, lớp ngoài công lập. Tổng số học sinh toàn huyện là 27.729 em (Mầm non 6.483, Tiểu học 13.596, THCS 7.650), tăng 653 em so với năm học 2015-2016. Nếu phân theo cấp học thì tỷ lệ duy trì sĩ số bậc Mầm non đạt 100%, Tiểu học đạt 99,85% (tăng 0,2% so với năm học trước) và THCS đạt 98,1% (tăng 0,8%). Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục-Đào tạo huyện trong việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương cũng như việc đưa tiêu chí duy trì sĩ số học sinh vào bình xét thi đua hàng năm đối với từng giáo viên.

Theo đánh giá của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, từ năm học 2015-2016 trở về trước, tỷ lệ học sinh bỏ học cao là do nhận thức của nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh người dân tộc thiểu số còn xem nhẹ chuyện học của con em mình. Vào mùa thu hoạch nông sản, gia đình thường đưa con em mình ở luôn trên rẫy để tiện sinh hoạt, trong khi công tác phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để vận động học sinh đến trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống của người dân ở một số làng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cũng là lý do khiến học sinh bỏ học hoặc đến lớp không chuyên cần. Đặc biệt, khả năng tiếp thu bài bằng tiếng Việt của nhiều học sinh ở bậc Mầm non trước khi vào lớp 1 còn hạn chế dẫn đến nhiều em chán nản việc học.

Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm học 2016-2017, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Prông đã đưa nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả cao trong công tác giảng dạy. Cụ thể, đối với bậc học Mầm non, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện từng bước giáo dục kỹ năng sống phù hợp với từng lứa tuổi; tăng cường áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”; tăng cường xây dựng môi trường giao tiếp, môi trường viết chữ, lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục vận động vào hoạt động vui chơi và các hoạt động khác trong các cơ sở giáo dục để trẻ phát triển khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, tạo thuận lợi trước khi trẻ bước vào lớp 1. Đồng thời, giáo viên cũng gần gũi gia đình để định hướng cho các em thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt.

Đối với bậc Tiểu học, ngành chỉ đạo các trường Tiểu học xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh; tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú nhằm rèn luyện đạo đức, giáo dục kỹ năng sống. Đặc biệt, do huyện Chư Prông có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 47,46% nên ngành đã xây dựng chương trình phù hợp với từng lớp học, phân công giáo viên có kinh nghiệm dạy lớp 1, tổ chức thêm các hoạt động giao lưu tiếng Việt, xây dựng môi trường tiếng Việt, mở rộng dạy tiếng Việt lớp 1. Đồng thời, ngành Giáo dục-Đào tạo cũng thành lập tổ kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ các trường trong quá trình thực hiện để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Việt nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Đối với bậc THCS, các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc việc xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, phát động duy trì sĩ số, đăng ký duy trì sĩ số và xây dựng các giải pháp thực hiện.

“Trên cơ sở phát động duy trì sĩ số, giáo viên phải ký cam kết với nhà trường để gắn trách nhiệm của mình với học sinh; giáo viên phối hợp với đoàn thể và Hội Phụ huynh học sinh nhằm hạn chế việc học sinh bỏ học; trong giảng dạy phải tập trung theo chuyên đề, nhất là lứa tuổi mầm non để giúp cho trẻ chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1. Về phía nhà trường thì phải tạo điều kiện cơ sở vật chất trong việc dạy học...”-bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Prông cho biết.

Cũng theo bà Phạm Thị Thu Hằng, đối với trẻ Mầm non và bậc Tiểu học, việc nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số còn là nền tảng để các em hiểu và tiếp thu nhanh các môn học khác. Hơn nữa, việc lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục với hoạt động vui chơi, tổ chức hội thi làm đồ dùng bằng các nguyên-vật liệu thiên nhiên, nguyên-vật liệu tái sử dụng... sẽ khiến học sinh thích thú học tập, tự giác đến trường, giúp việc duy trì sĩ số lớp học đạt kết quả tốt.

“Về phía ngành Giáo dục-Đào tạo huyện, trong năm học này đã nỗ lực cùng với các ngành, các cấp tạo mọi điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt và dạy học, nhất là ở các điểm trường làng để giúp cho thầy cô an tâm bám trường, bám lớp”-bà Hằng chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Prông: Từ năm học 2016-2017, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường Tiểu học tăng cường dạy và học theo hướng phát huy tính chủ động tích cực phát triển năng lực học sinh, tiếp tục các biện pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, phát huy hiệu quả dạy học theo chương trình VNEN (mô hình trường học mới Việt Nam), SEQAP (đảm bảo chất lượng giáo dục).

 Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm