(GLO)- Ngày 13-3, tại tiểu khu 229 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý đã xảy ra cháy rừng. Tuy chưa gây thiệt hại lớn nhưng đó là hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy rừng xảy ra vào mùa khô.
Qua đánh giá sơ bộ, khu vực bị cháy là rừng sản xuất, chủ yếu là thông được trồng năm 2012 và 2015. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đối với rừng thông trồng năm 2012, cháy thực bì diễn ra phía dưới tán cây nên phần diện tích này không bị ảnh hưởng nhiều. Riêng rừng trồng năm 2015, khi xảy ra cháy đã có một số cây bị chết, nhưng tỷ lệ thấp, thiệt hại không đáng kể.
Ông Nguyễn Tất Thành-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ-cho hay: Tổng diện tích rừng mà đơn vị được giao quản lý là 9.200 ha, chủ yếu là rừng thông. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân khi vào rừng không sử dụng lửa bừa bãi, đồng thời tăng cường các chốt trực tại một số điểm nóng để ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy rừng xảy ra”-ông Thành cho biết.
Tương tự, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly hiện quản lý hơn 15.738 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, đất có rừng là 12.623 ha. Đặc biệt, có hơn 1.166 ha rừng dễ cháy ở vùng trọng điểm thuộc xã Ia Kreng. Để đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly đã hợp đồng giao khoán với các hộ dân trên địa bàn xã Ia Kreng. Ông Rơ Châm Hoa-Tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng làng Doch 1 (xã Ia Keng) cho biết: “Tổ gồm 30 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ gần 900 ha rừng. Để hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy và PCCCR, hàng ngày, chúng tôi chia làm 4 nhóm để thay phiên nhau tuần tra. Khi phát hiện cháy rừng, các nhóm phải dập tắt ngay; nếu cháy lớn thì phải thông báo để huy động cả tổ cùng phối hợp với Ban Quản lý rừng và các lực lượng địa phương tiến hành dập tắt đám cháy, không để thiệt hại tài nguyên rừng”.
Tổ PCCCR (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly) phát dọn đường ranh cản lửa phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Lê Nam |
Ông Phạm Thành Phước-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly-thông tin: Ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng rừng để xác định các khu vực trọng điểm cháy. Theo đó, diện tích rừng dễ cháy chủ yếu tập trung tại các tiểu khu: 215, 225, 213, 216, 217, 218, 219 (thuộc xã Ia Kreng). Ngoài ra, một số diện tích rừng nằm xen kẽ hoặc gần rẫy của người dân nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao. “Ban đã tiến hành xây dựng phương án PCCCR, thành lập tổ bảo vệ rừng, tổ PCCCR và xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng, ký cam kết với các hộ sống gần rừng trong việc sử dụng an toàn lửa rừng. Phân công lực lượng trực 24/24 tại các khu vực trọng điểm cháy. Tăng cường tuần tra, canh gác lửa rừng để xử lý kịp thời khi mới phát sinh. Đồng thời, tiến hành đốt thực bì có điều khiển, phát dọn đường ranh cản lửa”-ông Phước thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng-chống cháy rừng. Đặc biệt là củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy phòng-chống cháy rừng; xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai phòng-chống cháy rừng. “Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã xây dựng phương án, kịch bản về phòng-chống cháy rừng rất chặt chẽ; tổ chức phát đường ranh cản lửa và đốt thực bì có kiểm soát. Đồng thời, bố trí lực lượng thay phiên trực 24/24 giờ tại các điểm nóng để sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra”-ông Phụng nói.
LÊ NAM-MINH TRIỀU