Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chư Pah: Chú trọng phổ biến pháp luật cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Những năm qua, Hội Nông dân huyện Chư Pah phối hợp cùng các ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết nội bộ và giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn”-ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 81 của huyện Chư Pah nhấn mạnh.
 Ông Bạch Hữu Thanh-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 2 đang trao đổi về tình hình mâu thuẫn trong hội viên, nông dân với Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa. Ảnh: A.H
Ông Bạch Hữu Thanh-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 2 đang trao đổi về tình hình mâu thuẫn trong hội viên, nông dân với Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa. Ảnh: A.H
Một nhiệm vụ được Hội Nông dân cũng như các cấp, các ngành trong huyện quan tâm đó là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân. Theo bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah, chỉ tính trong năm 2019, các cấp Hội đã phối hợp tuyên truyền cho 6.053 lượt hội viên, nông dân về các văn bản pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Cùng với đó, các ngành cũng đã biên soạn, phát hành 897 tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát hành 340 cuốn bản tin “Hội Nông dân Gia Lai”; cung cấp nhiều cuốn sổ tay: công tác Hội ở cơ sở, tìm hiểu pháp luật, cẩm nang về tư vấn pháp luật... góp phần nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý cho nhân dân và hội viên.
Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng 9 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 330 thành viên. Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng, kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã-cho hay: “Câu lạc bộ hiện có 30 thành viên, đều được tập huấn, trang bị kiến thức thường xuyên để trở thành tuyên truyền viên tại cơ sở. Tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu của hội viên, các thành viên Câu lạc bộ sẽ phối hợp lồng ghép tuyên truyền, giải thích kịp thời về những thắc mắc, chính sách liên quan... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương”. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, quản lý và khai thác các tủ sách pháp luật ở cơ sở cũng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện với tổng số 5.831 đầu sách được phân bổ cho 17 tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn và 9 tủ sách pháp luật tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc huyện. “Tủ sách pháp luật được đặt ngay tại trụ sở UBND xã để phục vụ người dân cũng như hội viên có nhu cầu”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng nói thêm. Ngoài tủ sách pháp luật, một số xã, thị trấn còn thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với internet” tạo điều kiện để nông dân khai thác, tìm hiểu pháp luật một cách nhanh chóng, kịp thời.
Không dừng lại ở công tác tuyên truyền, các cấp Hội Nông dân còn quan tâm đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và giải đáp các thắc mắc cũng như mâu thuẫn trong hội viên ngay tại cơ sở. Hiện toàn huyện có 109 tổ hòa giải cơ sở với 620 thành viên. Tất cả các tổ hòa giải đều có hội viên nông dân tham gia. Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-cho hay, các tổ hòa giải đã tích cực bám sát cơ sở, nắm tình hình và những mâu thuẫn phát sinh để kịp thời có biện pháp hòa giải hiệu quả ngay trong nội bộ. Trong năm 2019, đã tiến hành hòa giải thành công 84/89 vụ tranh chấp, khiếu kiện, trong đó có 31 vụ liên quan đến hội viên, nông dân. Đa số các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nông dân đều liên quan đến đất đai, bình xét hộ nghèo, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, khai thác tài nguyên trái phép…
Ông Bạch Hữu Thanh-Trưởng ban Công tác Mặt trận, kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải thôn 2 (thị trấn Phú Hòa) cho biết: “Trong năm, tổ đã tham gia giải quyết 2 vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai liên quan đến nông dân. Thông thường, khi tiếp nhận thông tin, tổ hòa giải sẽ cùng với Ban nhân dân thôn đến nắm bắt tình hình trực tiếp 2 bên, sau đó dựa trên tinh thần công tâm để phân tích, giải thích cho các bên cùng hiểu rõ”. Hơn 10 năm làm công tác hòa giải, ông Thanh cho rằng, đa phần thành viên trong tổ hòa giải đều có thời gian sinh sống lâu năm trên địa bàn nên hiểu khá rõ về hoàn cảnh của từng gia đình, thậm chí là hiểu rõ về lịch sử vị trí đất đai của họ nên các vụ mâu thuẫn đều được giải quyết nhanh chóng.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah nhấn mạnh: Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg, nhận thức về pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân nói chung, hội viên, nông dân nói riêng ngày càng nâng cao. Các ban, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân. Qua đó tạo sự đồng thuận và góp phần hạn chế các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt cấp của nông dân, đồng thời huy động được sức mạnh của hội viên, nông dân tham gia các phong trào thi đua tại địa phương...
 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm